Tác quyền 'đánh đố' nghệ sĩ

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
10/06/2022 06:41 GMT+7

Gần đây, liên tiếp các “vụ” hát mà chưa xin phép liên quan đến tác quyền của ca khúc Ai chung tình được mãi và ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc cấp phép và bản quyền.

Ai chung tình, ai được hát

Ngày 8.6, ca sĩ Đan Trường đã có thông báo trên Facebook cá nhân về vụ lùm xùm liên quan tới hai bài hát Ai chung tình được mãi (sáng tác: Đinh Tùng Huy) và Từng yêu (sáng tác: Nguyễn Đình Dũng). Theo đó, nam ca sĩ cho biết đã gỡ ca khúc Ai chung tình được mãi Từng yêu ra khỏi hệ thống YouTube của công ty. Anh cũng cho hay chắc chắn sẽ không trình diễn hai ca khúc này trên sân khấu một lần nào nữa.

Ca sĩ Đan Trường gửi lời xin lỗi đến những người liên quan và người hâm mộ. “Xin khẳng định, Đan Trường rất tôn trọng quyền tác giả, tác phẩm... trong suốt thời gian làm nghề. Nên những ồn ào này thật sự làm Đan Trường rất buồn lòng, bởi dù muốn hay không cũng làm ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và những người xung quanh”, nam ca sĩ viết.

Tùng Dương hát Ai chung tình được mãi song việc thực hiện xin phép và trả tiền là nghĩa vụ của Đông Đô Show

TL

Cũng bị tố “dùng chùa” bài Ai chung tình được mãi, từ ngày 5.6, đại diện của Tùng Dương cho biết ca sĩ hát ca khúc đó trong chương trình bán vé do Đông Đô Show tổ chức chứ không phải liveshow riêng. “Ca khúc Ai chung tình được mãi là do ban tổ chức yêu cầu. Vậy nên, vấn đề bản quyền bài hát thuộc về trách nhiệm của đơn vị tổ chức đêm nhạc. Chúng tôi không phát hành chính thức bài hát này trên kênh YouTube của mình, việc biểu diễn cũng chỉ trong phạm vi chương trình”, đại diện của Tùng Dương cho biết.

Một vụ việc khác cũng liên quan đến bản quyền thời gian qua lại liên quan đến những bài hát của nhạc sĩ Phú Quang. Theo đó, tại một đêm nhạc diễn ra vào tháng 5 vừa qua, dù gia đình nhạc sĩ không đồng ý cho hát nhạc Phú Quang, giấy phép cũng không có ca khúc của ông, nhưng chương trình vẫn có ca sĩ hát với lý do là khán giả yêu cầu. Bà Hoài Oanh, Công ty Đông Đô Show, đơn vị tổ chức đêm nhạc trên, gửi lời xin lỗi gia đình nhạc sĩ và mong được thông cảm: “Chuyện cũng là cực chẳng đã. Vì khán giả quá tha thiết yêu cầu nên ca sĩ cũng vì yêu mà chiều lòng khán giả”.

“Ma trận” quy định và hình ảnh nghệ sĩ

Những vụ việc như thế này làm công chúng nhớ tới việc từng xảy ra hồi tháng 7.2019. Khi đó, Sở VH-TT-DL Vĩnh Phúc cấp phép cho chương trình Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019 được biểu diễn bài hát Sống như những đóa hoa của nhạc sĩ Tạ Quang Thắng. Trong khi đó, nhạc sĩ này lại cho biết có người gửi mail xin hát nhưng anh đã từ chối; quản lý của Tạ Quang Thắng cũng trả lời bằng email cho phía bên kia với nội dung từ chối này. Sau đó, chương trình Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019 bị hủy. Nếu không, có thể bài hát cũng sẽ được “hát chui” vì Sở đã… cấp phép.

Đan Trường thông báo đã gỡ ca khúc Ai chung tình được mãi và Từng yêu ra khỏi hệ thống YouTube của công ty

chụp màn hình

Hiện tại, giấy phép biểu diễn được cấp cho đơn vị tổ chức mà không cần có văn bản đồng ý cho sử dụng bài hát của chủ sở hữu quyền tác giả. Trước đó, luật quy định cần chứng nhận này mới cấp phép, song theo Nghị định 142, yêu cầu này không còn. Cục Nghệ thuật biểu diễn còn cho rằng bỏ điều khoản này sẽ giảm thủ tục hành chính, không muốn hành chính hóa quan hệ dân sự. Hậu quả, kể cả chủ sở hữu tác quyền bài hát không đồng ý, ca sĩ và đơn vị tổ chức vẫn hát. Chưa kể, còn có cả tình trạng cứ hát trước, rồi xin thông cảm và trả tiền sau.

Tuy nhiên, luật sư về sở hữu trí tuệ, bà Trần Thị Tám, cho rằng không nên bắt buộc trong hồ sơ xin phép phải có văn bản đồng ý cho sử dụng bài hát của chủ sở hữu quyền tác giả. Như vậy, sẽ khiến việc xin phép trở nên rắc rối hơn. “Những quan hệ dân sự như vậy nên giảm tải cho cơ quan hành chính. Cái chính là những chủ thể bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nên ứng xử thế nào để đạt hiệu quả. Hiện tại, tố nhau qua lại trên truyền thông đang hiệu quả nhất, nhưng nó làm suy giảm danh tiếng của các nghệ sĩ nhanh nhất”, bà Trần Thị Tám đánh giá.

Với trường hợp của Tùng Dương, tuy Công ty Đông Đô Show mới là đơn vị xin cấp phép và phải trả tiền, nhưng hình ảnh nghệ sĩ cũng bị ảnh hưởng. Trên một số trang mạng, nhiều người đưa ra quan điểm nếu cứ hát mà không biết bài hát mình biểu diễn đã được cho phép sử dụng hay chưa là thiếu trách nhiệm. Bà Trần Thị Tám đánh giá: “Việc này (đảm bảo đơn vị tổ chức xin phép sử dụng tác phẩm và có trả tiền - PV) phải có hợp đồng đàng hoàng chứ không thỏa thuận miệng với nhau được. Nhìn chung hợp đồng phải tổ hợp nhiều điều khoản bảo vệ uy tín của nghệ sĩ”.

Cũng theo bà Trần Thị Tám, các nghệ sĩ cũng nên chú ý hơn đến việc học các kiến thức về sở hữu trí tuệ, về bản quyền. Họ không thể có hiểu biết kỹ lưỡng như luật sư nhưng cũng cần hiểu các văn bản mà mình sẽ ký, các thỏa thuận mà mình sẽ tham gia. Thêm vào đó, theo bà Trần Thị Tám: “Bên cạnh nghệ sĩ phải có sự hỗ trợ đồng hành của ê kíp rà soát những nội dung liên quan đến bản quyền để hạn chế tối đa các rủi ro”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.