Mặc dù không theo đạo, nhưng vào những lúc ấy, tôi thường buông sách và im lặng lắng nghe. Tiếng chuông ngân rung trong một lúc, vừa đủ cho người nghe thổn thức, để nhớ quắt quay những tiếng chuông cũng từng ngân rung ở một miền xa thẳm.
Quê tôi có một xóm đạo, nằm ở phía nam của làng. Hồi nhỏ, xóm đạo với lũ trẻ chúng tôi là một thế giới xa lạ và đầy huyền bí. Xóm đạo cách nhà gần hai cây số, cuộc sống bên giáo bên lương tách biệt hẳn nên chúng tôi rất ít có cơ hội được đặt chân đến. Lần đầu tiên tôi biết đến Giáng sinh là vào năm học lớp 6. Ăn cơm tối xong, tôi và một người bạn bí mật xuống xóm đạo chơi. Đập vào mắt tôi là ngôi nhà thờ to lớn cùng ngọn tháp cao vút.
Cảm giác ngỡ ngàng nhanh chóng qua đi, khi xung quanh người người nườm nượp, ai cũng háo hức cười nói. Đó quả thực là một đêm hội rộn rã và đầy sắc màu khi đèn quả nhót được giăng khắp nơi, sáng nhấp nháy. Còn tiếng nhạc thì không lúc nào ngưng, rộn ràng từ bài này qua bài khác. Rồi tôi biết đến hang đá, biết đến câu chuyện giữa Adam và Eva, chuyện Chúa Giêsu chào đời… Tất cả diễn ra đầy lạ lẫm với tôi khi đó, nhưng tôi cũng phần nào cảm nhận được không khí linh thiêng của mùa Giáng sinh đến từ những con chiên ngoan đạo.
Tiếng chuông tiếp tục dẫn dắt tôi về khoảng thời gian cũng vào độ cuối năm như thế này. Thuở ấy, tiết trời ngoài Bắc đã lạnh căm căm. Vì nhà nghèo, không có áo ấm để mặc nên có bao nhiêu áo, chị em tôi đều mặc hết lên người. Dẫu vậy cũng không đủ để xua đi cái giá lạnh ngoài trời. Năm đó, người dì ở Quỳ Châu - một huyện miền tây của xứ Nghệ mới nhắn tôi lên nhà hái trứng gà (lê ki ma) về bán lấy tiền mua áo ấm. Lúc về, xe đến xóm đạo thì dừng. Tôi lấy làm hốt hoảng khi thấy chỉ có mỗi mình bước xuống. Và trong thoáng chốc, chiếc xe khách nhanh chóng chạy về hướng bãi ngang, để lại mình tôi với quang cảnh vắng lặng và u tịch. Lúc đó, trời vẫn còn tối đen, xung quanh ướt đẫm vì sương khuya. Không xa nơi tôi đứng là những ngôi mộ nằm san sát bên nhau, ngôi mộ nào cũng có một cây thánh giá ở phía trên. Tôi vốn sợ ma, nên ngay khi vừa phát hiện ra những ngôi mộ kia liền vội vàng chạy nép vào hiên nhà gần đó, chân tay không thôi run rẩy; phần vì lạnh nhưng phần nhiều là vì nỗi sợ đang tràn ngập trong lòng.
Dù đang mệt mỏi sau chuyến xe đường dài nhưng tôi vẫn không tài nào chợp mắt, chỉ mong sao trời nhanh sáng để có thể về nhà. Tận đến khi tiếng chuông nhà thờ đổ dài, và trời đã sáng tỏ thì lòng tôi mới thực sự vỡ òa. Mừng mừng tủi tủi, tôi vội vàng vác bao tải trứng gà lên vai rồi rảo bước. Đi được một đoạn, bỗng nhiên tôi trông thấy từ hai bên đường, ngoài những người đàn ông còn có những bà những cô thướt tha trong tà áo dài trắng, lần lượt nối thành hàng dài, cùng đi về phía nhà thờ. Là họ đang đến nhà thờ làm lễ. Hình ảnh ấy sao mà đẹp quá, không còn lưu lại chút gì sự tất bật thường ngày của những người nông dân chân lấm tay bùn. Không hiểu sao lúc đó, tôi lại yêu hình ảnh ấy quá đỗi. Tôi say sưa ngắm nhìn những tà áo dài, những bước đi trở nên chậm chạp hơn, và lạ lùng sao cũng không còn cảm thấy mệt!
Rồi tôi nhớ về những buổi sáng sớm, nhớ về sự thân thuộc của tiếng chuông nhà thờ khi đã trở thành tiếng chuông báo thức giúp tôi dậy học bài. Có hôm trời lạnh, dù mẹ đã đánh thức từ trước nhưng tôi cứ cuộn mãi trong chăn, rồi ngủ luôn lúc nào không hay. Đến khi mẹ từ dưới bếp chạy lên, giọng hớt hải: “Sao còn chưa dậy? Chuông nhà thờ đổ lâu rồi kìa!”; thì lúc đó tôi vội tung chăn, ngồi dậy học bài để cho kịp buổi học sáng.
Vậy đó, chỉ qua những hồi chuông mà gợi về biết bao nhiêu ký ức đẹp đẽ. Và dẫu chẳng phải một con chiên, nhưng tiếng chuông vẫn gợi lên trong tôi bao nhiêu thương mến và xúc động. Mới hay, sự kỳ diệu của âm thanh cũng chính là ở chỗ đó.
Bình luận (0)