Từ Đức, qua Áo, Hungary, CH Czech, tôi trở về Đức. Rồi từ Đức, tôi lên phía Tây Nam, nơi có Rừng Đen (Schwarzwald) nổi tiếng, nơi chính là nguồn cảm hứng để anh em nhà Grimm kể những câu chuyện cổ tích mà bao thế hệ trẻ em cả thế giới mê say: Bạch Tuyết và Bảy chú lùn, Nàng công chúa ngủ trong rừng, Hansen và Gretel… Qua Pháp, Thụy Sĩ, Ý, Tây Ban Nha, về lại Đức, tôi được biết điều mà K.Paustovsky mô tả trong truyện ngắn Một món quà nổi tiếng của ông: "Mùa đông thì dài lê thê, hè lại quá ngắn so với đông, còn thu thì vụt cái đã mất, để lại ấn tượng về một con chim vàng óng vừa lướt qua ngoài cửa sổ".
"Con chim vàng óng" ấy, khi đã óng vàng, thì chẳng bao lâu sau là mùa rụng lá. Lá rụng cũng nhanh, ào ạt, vội vã như khi lá rực vàng. Và vì vậy, mùa thu vàng thường ngắn ngủi, để lại thật nhiều sắc độ màu lá như những cung bậc của sự mê say, nuối tiếc.
Mùa thu có bao nhiêu sắc vàng, hẳn thật khó mà "vẽ", mà pha phối cho hết được. Những chiếc lá sồi, linh sam… trên những cây sồi, linh sam trăm năm tuổi trong công viên, dọc hai bên đường, những khu rừng già, hay những lá cây không tên bên hàng rào, hàng giậu… tất cả như đồng loạt phô bày màu vàng của riêng mình sau những đêm thu trở lạnh đột ngột. Màu vàng rực, vàng mười, vàng mơ, vàng chanh, vàng ruộm, vàng nâu, vàng suộm, vàng chói, vàng cam, vàng ngát… vàng đồng, vàng cháy… tất cả những sắc độ vàng hừng lên khắp nơi.
Rồi những cây lá đỏ, lá treo trên cành, lá rơi trong cỏ, màu đỏ của gam màu cơ bản, màu hồng như cánh hoa, đỏ pha vàng, đỏ nguyên cả một vòm cây như lửa… Và nâu, nâu sẫm, nâu nhạt, nâu pha đỏ, nâu ánh vàng… như những nốt trầm không thể thiếu trong giai điệu mùa thu rạo rực.
Tôi luôn ngạc nhiên bởi lá vàng ôn đới lại có hình trái tim, hình ngọn lửa; những cây to không ai cố công cắt tỉa cũng hình ngọn lửa, hình trái tim, hình đóa hoa khổng lồ - phải chăng cây lá biết chọn dáng hình để bày tỏ chính mình; hay thiên nhiên tạo hóa đã mặc định cho cây được thay con người tỏ bày cảm xúc cùng những ý nghĩa biểu trưng đồng điệu với sắc màu? Dù thế nào, màu lá vì vậy mà thêm tha thiết, thêm rung động tâm hồn.
Có ai không cảm thấy trái tim mình đập nhẹ, khi ai đó nhặt lên một chiếc lá đỏ rực, vàng tươi ép vào trang sách; hay đặt lên ngực, khe khẽ hát một điều gì…
Thiên nhiên và khí hậu trái đất mang đến cho vùng ôn đới những mùa thu vàng, để người xứ nhiệt đới quanh năm hai mùa mưa nắng như tôi được hiểu về vẻ đẹp kỳ thú của hành tinh này, đơn giản khởi đi từ cây cỏ. Chúng ta có thể trở thành những người nghệ sĩ, có thể chợt nhiên yêu đời khi bắt gặp những vẻ đẹp thực tế mà ta đã thấy trong thơ ca nhạc họa. Cuộc sống là những sự cộng hưởng, để thêm yêu mê say trái đất này. Cuộc sống cũng vẫy gọi ta, để ta đi và đến, đến và đi, mang theo những cảm xúc, suy nghĩ lặng thầm, đầy ý nghĩa. Tôi chợt nhớ một thời, bức tranh Mùa thu vàng của họa sĩ người Nga Isaac Levitan đã mang đến cho tôi bao mộng mơ, lãng mạn. Có lẽ đó là khởi đầu để tôi mơ ước được đến những miền xa. Rồi Chiếc lá cuối cùng - truyện ngắn của nhà văn Mỹ O.Henry vẫn luôn "vẽ" trong tôi một "trái tim" nhân văn, mong manh mà chứa chan hy vọng…
Mùa thu trên trái đất này có bao nhiêu sắc vàng, có bao nhiêu chiếc lá tận hiến cho đời những giây phút cuối cùng. Hẳn rằng chẳng ai đếm được. Tôi chợt nhớ những câu thơ của nhà thơ Trương Anh Tú, sau hơn ba mươi năm sống ở Đức, đi qua bao mùa thu, anh viết: Thu buông lá rơi/Từng giọt mật vàng/Bao nhiêu nốt nhạc/Quên mình ngân vang… thấm đẫm những triết lý nhân sinh và tôn vinh, hết mình vì cái đẹp.
Bình luận (0)