Nhàn đàm: Từ những miền thu

13/10/2024 08:30 GMT+7

Bâng khuâng trong thời khắc giao mùa, thu phơi mình lên mọi nẻo, thu bày biện mỗi vùng từng sắc khác nhau. Thu trang trải trong lòng người những nhớ thương cũng khác. Tôi nhớ đến những miền mùa thu nơi chân mình từng chạm.

"Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ…". Thu chạm vào lòng thủ đô bằng những con đường sắc diệp lục phôi pha. Trong ánh ngày cuối cùng của hạ, giọt nắng khẽ khàng trốn vào những tán lá bàng sạm màu, để rồi qua lưng đêm, bình minh hé rạng, bàng đã ủ men và phơi thu trên tán lá sắc đỏ màu đồng hun như cũ kỹ, như rêu phong.

Thu rong từng bước chầm chậm trên con phố của thủ đô ngàn năm văn hiến. Những cây sấu già, hàng xà cừ đón thu bằng cơn mưa gieo rắc lá. Họa điệu lên phố mưa lá vàng là đôi chiếc xe đạp hàng hoa sắc màu cổ điển. Đôi gánh xôi cốm phả hương vào thu thơm ngọt. Tràng thị vàng bên vỉa hè cũng chao đảo hương thơm, bện vào lòng người bao luyến nhớ. "Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương", điều đó hẳn đúng. Ai đã một lần qua những cung đường Hà thành khi thu sang, chắc chắn đều đọng lại những luyến lưu không hề vơi cạn.

Xa những con đường Hà thành, tôi lại tìm về nơi Bãi Phố. Hội An vào thu có những đêm huyền linh đầy mê dụ. Mảnh đất miền Trung nào có thu rõ nét. Ấy thế nhưng với phố cổ hàng trăm năm tuổi, vẫn có đâu đó phảng phất hơi thu. Bởi lòng người phố luôn hoài một mùa trăng rạo rực.

Thu về, đèn lồng tròn, đèn lồng vuông, đèn lục giác, đèn quả trám… nhất loạt phơi ra bao sắc màu từ những con hẻm heo hút đến mặt phố rỡ ràng. Đâu phải những mùa thường Hội An không chong đèn. Đèn là đặc trưng của phố Hội. Thế nhưng mỗi độ thu sang, đèn Hội An lại sáng màu khác. Có lẽ, đó chính là cái màu được thắp bằng trái tim rạo rực niềm yêu trăng của những con người hoài cổ.

Con đường phố cổ ngoằn ngoèo lung linh hơn bao giờ hết. Đêm, phố huyền linh, những con đường huyền linh, những cánh màu chập chờn soi mái ngói âm dương bày biện cho phố những u huyền trăm năm có lẻ. Đâu đó vọng tiếng rao đêm nghe trong trẻo: Ai… xoa xoa liền phĩnh nước cốt dừa… hông… Tiếng rao làm cho thời gian như ngưng đọng, lòng người ngưng đọng, đọng mãi trong trầm tích văn hóa trăm năm trước chẳng hề phôi phai.

Tôi lại nhớ những con đường thu đầy gian truân vào bản nhỏ. Khi tiếng trống lân phố thị giục giã cũng là lúc tiếng trống trường báo hiệu năm học mới sang. Bạn tôi thôi hè trở lại miền cao thương nhớ, hành trang là gạo, mắm muối, là cá khô, là áo quần, mền mùng…

Con đường chênh vênh, thắt thẻo qua gờ đá tai mèo cao lởm chởm phía Tây Bắc giữa muôn trùng mây núi mênh mênh. Con đường vào những miền Trường Sơn heo hút. Những con đường thiên thẹo chênh vênh. Những con đường bùn lầy sình nhão nhoẹt. Mỗi bước đi phải rải những giọt mồ hôi mặn chát dường như để lòng mình thôi bớt ưu tư.

Bạn tôi bước đi. Đến hay là về? Cái hành trình gieo chữ gian truân nơi bản làng heo hút cứ thu lại cất bước. Xa gia đình nhưng cũng có thể nói là trở về, về nơi mà năm học trước khi hè giục giã, tuy rời đi nhưng vẫn còn vương vấn những lời hẹn ước trở lại, lòng vẫn bị trì níu bởi những ánh mắt thơ dại yêu thương không nỡ bỏ buông.

Thương làm sao cho hành trình gian truân gieo chữ. Nhưng cũng cảm mến, trân trọng và khâm phục làm sao những hiến dâng để đất trời trên mọi miền Tổ quốc đều có một mùa thu trong xanh. Ít nhất là trong lòng người, những con người nơi sơn cùng thủy tận.

Đi qua bao miền thu, đâu có phải cứ thu là tàn phai, là úa rụng. Có những miền chỉ vào thu mới bày biện ra bao vẻ ẩn tàng trăm năm. Lại có những miền thu về dâng lên bao niềm mong đợi và hy vọng. Đó là những mong ngóng về một ngày thu xán lạn, đẹp như mùa thu độc lập năm nào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.