Nhàn đàm: Nét duyên riêng Đà Lạt

23/08/2020 06:30 GMT+7

Hơn ba mươi năm chị tôi mới có dịp trở về phố núi Đà Lạt , nơi chị được sinh ra và lớn lên.

Tuổi ấu thơ và cả những kỷ niệm đẹp đẽ nhất một thời thanh xuân của chị đều gắn chặt với từng con đường, góc phố và những đồi thông đầy thơ mộng... của phố núi bình yên này.
Sau một ngày đưa chị chu du vòng quanh phố núi, đến thăm một số bạn cũ để giúp chị tìm gặp lại những ký ức, kỷ niệm một thời..., chị ngồi lặng lẽ bên khung cửa sổ một quán cà phê rồi khẽ bảo: “Đà Lạt mất duyên rồi cậu ạ! Cái hồn riêng của Đà Lạt xưa, nay khó mà tìm lại được...”.
Chị nói xưa kia Đà Lạt nhiều hoa lắm, hoa được trồng trong sân vườn các ngôi biệt thự, trên bờ taluy trước những ngôi nhà ven đô..., bây giờ phố Đà Lạt không còn chỗ cho cúc quỳ và hường dại mọc nữa! Thời còn là nữ sinh, tụi chị đua nhau hái hoa ngũ sắc, thiên lý, bìm bịp ven bờ rào, ven đường làm “vương miện” trao cho đứa nào được thầy giáo cho điểm mười... Đà Lạt hồi ấy có “con đường tình yêu” là đường Cộng Hòa (Lý Tự Trọng ngày nay) từ đường Bùi Thị Xuân dẫn lên Dinh tỉnh trưởng, hết sức thơ mộng, rợp bóng thông xanh và réo rắt tiếng chim ca, con đường này chỉ “ưu tiên” cho những đôi lứa yêu nhau, khi đến đây thì không hề bị ai quấy rầy.
Địa hình Đà Lạt đồi dốc, nên từ khu Hòa Bình tỏa ra nhiều con đường dốc uốn lượn, quanh co nên tên gọi cũng bị biến đổi thành “dốc” rất đặc trưng như: Dốc Minh Mạng (Trương Công Định ngày nay), dốc Duy Tân
(3 Tháng 2), dốc Lê Đại Hành, dốc Tăng Bạt Hổ... Dốc Minh Mạng nổi tiếng bởi những quán chè, các tiệm may mặc và giặt ủi. Đây là dốc phố mà cứ mỗi chiều thứ bảy và cả ngày chủ nhật luôn tràn ngập người đi mua sắm, may mặc... đến chiều tối lại kéo nhau đến khu Ngọc Hiệp (chân dốc Minh Mạng) nơi tập trung nhiều tiệm ăn Tây, Tàu, Việt... để thưởng thức ẩm thực. Giữa dốc Minh Mạng có con hẻm dốc Nhà Làng, nơi chuyên bán quần áo cũ, các vật dụng đã qua sử dụng. Còn dốc Duy Tân xưa kia nổi tiếng với mặt hàng đồ gốm, đồ sành... Dốc Lê Đại Hành đặc trưng bởi những quán cà phê, kem Việt Hưng cheo leo triền núi, mỗi khi đêm về lung linh huyền ảo bởi ánh đèn xen lẫn với ánh sao đêm...
Chị nhớ lại, học sinh, sinh viên sau giờ tan học thường hẹn nhau ở Rạp Hòa Bình, sau khi xem phim kéo nhau xuống dốc Minh Mạng thưởng thức chè nóng 47, Hương Sơn, hoặc Mai Hường; muốn lãng mạn lên Nguyệt Vọng Lầu vừa uống cà phê vừa ngắm trăng lên.
Đâu đã hết, xưa kia Đà Lạt có riêng một con đường Nguyễn Trường Tộ (Hồ Tùng Mậu) rợp bóng cây trứng cá, gần như chỉ dành riêng cho người đi bộ, chiều chiều những đôi tình già và cả những đôi bạn mới quen lại dập dìu dạo bước đưa nhau xuống cà phê Thủy Tạ hoặc lên nhà hàng Đào Nguyên (đầu Quảng trường Lâm Viên), thưởng thức những món ăn Tây do đầu bếp người Pháp đảm trách.
Khi biết Đà Lạt đang quy hoạch lại trung tâm khu Hòa Bình và đồi Dinh tỉnh trưởng, chị nói: “Hiện đại thì không ai chối từ, nhưng làm sao phải giữ cho Đà Lạt một cái hồn riêng, hồn Đà Lạt nằm trong từng rặng thông xanh, trong từng khóm hoa ven đường, trong từng con dốc, trong lối kiến trúc đặc trưng... Không thể biến Đà Lạt thành đô thị sầm uất, nhiều nhà cao tầng như Sài Gòn, Đà Nẵng... Đà Lạt phải giữ một nét duyên riêng!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.