Nhàn đàm: Ngày mai sẽ đến từng giây từng giờ...

09/06/2024 08:30 GMT+7

'Cuối tuần này qua chị ăn tân gia nghe bé', chị Hương báo tin trong điện thoại. Dẫu không thấy mặt chị nhưng tôi vẫn hình dung ánh mắt chị lấp lánh niềm vui thế nào, trong lòng chị lâng lâng hạnh phúc ra sao.

Có lang bạt kiếp trọ nhiều năm ở phố, mới thấu được hết cảm giác chính thức chạm tay vào "nơi ước đến, chốn mong về" của riêng mình…

Anh chị từ Huế vào Sài Gòn gần 12 năm, mang theo bé gái nhỏ lúc ấy mới sinh vào phố đông, đường lạ với ước mơ lập nghiệp và mong tương lai sáng sủa hơn. Trong tâm trí chị, số lần dọn trọ, chuyển nhà kể không đếm hết. Những căn phòng trọ chật chội, không mấy an toàn, không mấy riêng tư, không mấy sạch sẽ, nhưng đó là những gì tốt nhất mà gia đình nhỏ của chị có trong đoạn đường ấy. Chị kể, có những ngày nằm ở nhà nhìn ra "không biết là sương hay là nắng", bao đêm mắt thao láo nhìn lên trần nhà, nén tiếng thở dài vào khuya xa, dặn lòng cố gắng hơn để ngày mai sẽ khác, cuộc sống khá lên. Ai mà không muốn, không mưu cầu có một căn nhà nằm nghe mưa nhìn nắng, mỗi chiều tan tầm được trở về chốn riêng tư mà mình tạo dựng, rũ sạch nhọc nhằn muộn phiền ngoài cửa, bước vào tổ ấm an ổn, nhẹ nhàng?

Qua nhiều trắc trở, cơ cực và tự "liệu cơm gắp mắm" chi tiêu, phần này lo con ăn học, phần này tiền nhà, xăng xe, khoản kia thực phẩm trong nhà, cưới hỏi, chi phí khác…, qua việc duy trì đồng lương ổn định công sở và anh Hoàng - chồng chị Hương còn làm thêm "thợ đụng" dành tiết kiệm, anh chị đã bám trụ được và ngày càng tốt lên ở chính mảnh đất cưu mang mình từ hai bàn tay trắng.

Tôi chợt nhớ đến hình ảnh những khu nhà trọ nằm trong con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, sâu hun hút như mê cung. Những căn phòng trọ tựa "cái hộp diêm" vừa vặn một chiếc bàn gấp và đủ trải một chiếc chiếu cho một người nằm. Họ, có thể là cô cậu sinh viên ở miền quê nghèo lên phố học, là ông bà bán vé số, cặp vợ chồng công nhân, là chú bảo vệ, người cô, người em gái lầm lũi bán bưng trên những quang gánh, chiếc xe đẩy hàng rong… vì rẻ, vì tiết kiệm thường chọn những nơi này làm chốn "chui ra chui vào" tạm bợ để đặt ngả tấm lưng, ngủ li bì sau ngày dài ngụp lặn mưu sinh.

Chúng ta dễ dàng chê bai, phán xét một người vì điều gì đó, nhưng lại không biết rằng, đó là tất cả những gì họ có, là sự lựa chọn tốt nhất với họ ở thời điểm hiện tại. Họ biết rõ hơn ai hết nơi mình sống lụp xụp hè nóng hầm hập, mưa đến ẩm mốc, quên mất đêm ngày, không cách âm, tiềm ẩn cháy nổ… nhưng giá của phòng thuê lại hợp lý nhất mà họ có thể chi trả. Chúng ta sẽ không hiểu người khác đã trải qua những gì cho đến khi mình sống cuộc sống của họ.

Đời sống còn đó nhiều khó khăn, bất trắc. Trong những căn phòng thuê ọp ẹp, tù túng, có thể bạn đang chật vật, thất thần với món nợ ngân hàng; bực dọc, khó chịu vì chung đụng không gian sinh hoạt, có thể áp lực vì công việc và deadline, có thể đấm ngực nằm than thân trách phận, không cam lòng, không chấp chận, buông xuôi cho số phận định đoạt… Thì cùng không gian đó, có bao nhiêu giấc mơ vẫn không thôi chấp chới trong những trái tim còn thở là còn vươn, còn tiến về phía trước; bao nhiêu mầm sống, tia hy vọng hồi sinh, le lói từ sự lụi tàn, tan nát; bao nhiêu cơ hội, khát khao, mong chờ, tin yêu nỗ lực… giữa Sài Gòn khắc nghiệt cơ cầu nhưng đầy ắp thiện lương.

Đâu ai sống mãi đời mình với ngày hôm qua và hôm nay. Những người tứ xứ lại vào thị thành xa hoa để đi tìm ngày mai. Tôi chỉ mong những phận đời nổi trôi chông chênh giữa phố xá đâu đó bình an, nhẹ nhàng trong những căn nhà thuê, trong cõi vô thường nghiệt ngã…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.