Vì sao có nhiều sinh viên ở lại thành phố trong kỳ nghỉ hè?

Thảo Phương
Thảo Phương
08/06/2024 14:10 GMT+7

Thay vì về quê để tận hưởng kỳ nghỉ hè bên gia đình, không ít sinh viên chọn ở lại thành phố. Họ tận dụng thời gian này để cố gắng làm thêm. Nhiều bạn đi làm thêm nhằm kiếm thu nhập trang trải cuộc sống, có sinh viên lại muốn tích lũy kinh nghiệm và trau dồi thêm kỹ năng sống.

Làm thêm để kiếm tiền và phát triển bản thân

Dương Quốc Vinh, sinh viên Viện Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đang làm thêm tại một quán ăn gần trường. Vinh cho biết công việc hiện tại được trả mức thù lao 24.000 đồng/giờ. Quê tại tỉnh Đồng Tháp, mặc dù nghỉ hè nhưng Vinh không về nhà mà ở lại đăng ký giờ làm nhiều hơn để kiếm tiền.

“Bình thường sáng đi học, chiều mình làm thêm. Một ngày, làm khoảng 4 - 8 tiếng đồng hồ. Nhưng 2 tuần trở lại đây được nghỉ hè nên mình làm từ 6 giờ đến 22 giờ. Mỗi ngày mình kiếm được hơn 300.000 đồng”, Vinh chia sẻ.

Vì sao có nhiều sinh viên ở lại thành phố trong kỳ nghỉ hè?- Ảnh 1.

Sinh viên tăng cường làm thêm dịp hè

THẢO PHƯƠNG

Vinh cho biết muốn đăng ký làm cả ca đêm nhưng vì 23 giờ ký túc xá đóng cửa nên phải về sớm hơn. Sở dĩ Vinh làm nhiều như thế trong những tháng hè là vì chàng trai này đặt mục tiêu mua điện thoại mới mà không muốn xin ba mẹ nên tự đi làm để kiếm tiền. “Ba mẹ chỉ cho tiền học và ăn uống hằng tháng còn những khoản chi tiêu phát sinh khác mình tự lo liệu chứ không muốn tạo thêm gánh nặng cho gia đình”, Vinh nói.

Tương tự, thay vì tranh thủ 2 tháng nghỉ hè để về quê, Trần Nguyễn Kỵ, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, chia sẻ: “Mặc dù nghỉ hè rồi nhưng mình vẫn chưa về quê. Chắc vài hôm nữa mới về thăm nhà ít ngày rồi lại tranh thủ lên làm tiếp. Mỗi ngày, mình làm từ 8 - 12 tiếng đồng hồ. Trước kia còn đi học thì một tuần làm 4 - 5 ngày, còn bây giờ làm suốt cả tuần. Mình xin quản lý để đăng ký giờ làm nhiều hơn. Tranh thủ thời gian rảnh mình làm nhiều để có thêm tiền”.

Kỵ cho biết mỗi tháng ba mẹ chu cấp khoảng 3 triệu đồng, còn tiền đi làm thêm sẽ được dùng để mua sắm và chi tiêu riêng cho bản thân. “Hơn nữa, đi làm để dành tiền sau này mình có muốn làm gì thì dùng đến”, Kỵ nói.

Ngoài việc có thu nhập để chi tiêu, theo Kỵ đi làm thêm còn giúp chàng trai này học hỏi, biết thêm rất nhiều thứ. “Đi làm thêm thế này giúp mình có nhiều trải nghiệm, được va chạm thực tế. Mặc dù chỉ là công việc phục vụ không liên quan gì đến ngành học nhưng mình biết được rất nhiều, từ khả năng tập trung, nhanh nhẹn đến việc ăn nói cũng lưu loát, dạn dĩ hơn”, Kỵ chia sẻ.

Vì sao có nhiều sinh viên ở lại thành phố trong kỳ nghỉ hè?- Ảnh 2.

Sinh viên ở lại thành phố làm thêm dịp hè để trang trải cuộc sống

THẢO PHƯƠNG

Cũng ở lại thành phố để đăng ký học kỳ hè và tìm việc làm thêm, Đặng Anh Nhật, quê ở tỉnh Quảng Nam, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, chia sẻ: “Hè này mình chỉ đăng ký học 3 môn, thời gian rảnh cũng khá nhiều nên muốn tìm thêm việc để làm. Mình đang tìm hiểu công việc gia sư. Tuy nhiên, khi tìm việc thông qua các hội nhóm trên Facebook mình cũng sợ bị lừa tiền cọc nên hiện tại đang tạm thời làm nhân viên cho một quán ăn trong ký túc xá”.

Những lợi ích và lưu ý khi đi làm thêm đối với sinh viên

Chia sẻ về vấn đề đi làm thêm của sinh viên, thạc sĩ Đinh Văn Mãi, giảng viên bộ phận kỹ năng mềm, Trung tâm phát triển năng lực sinh viên của Trường ĐH Văn Lang, cho biết đây là nhu cầu chính đáng.

“Nếu làm những công việc đúng chuyên ngành sẽ giúp các bạn ứng dụng kiến thức từ trường lớp vào thực tiễn. Bên cạnh đó, sinh viên còn rèn luyện được kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề; tương tác khi làm việc nhóm; nhất là biết cách sắp xếp tổ chức, quản lý thời gian hiệu quả. Đồng thời, sinh viên có môi trường phát triển các kỹ năng chuyên ngành thông qua những công việc làm thêm đúng chuyên môn. Biết cách xây dựng thái độ làm việc tích cực, rèn luyện tính kiên nhẫn, nỗ lực trong công việc”, ông Mãi cho hay.

Vì sao có nhiều sinh viên ở lại thành phố trong kỳ nghỉ hè?- Ảnh 3.

Công việc làm thêm đúng chuyên môn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho sinh viên

THẢO PHƯƠNG

Hiện nay, không ít sinh viên lựa chọn những công việc làm thêm phổ thông như: phục vụ, chạy xe ôm công nghệ… Ông Mãi cho rằng mỗi người đều có những sự lựa chọn cho công việc làm thêm. Có sinh viên làm những công việc đúng chuyên môn và ngược lại, nhưng tất cả mọi sự lựa chọn đều cần tôn trọng. 

"Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, tôi nghĩ sinh viên nên tiếp cận với những công việc làm thêm đúng với chuyên ngành nhằm rèn luyện và có sự chuẩn bị cần thiết để tham gia thị trường lao động trong tương lai. Hơn nữa, việc xây dựng và duy trì mối quan hệ lâu dài tại nơi làm việc sẽ giúp phát triển mối quan hệ nghề nghiệp, tiếp cận công việc sau khi ra trường. Đồng thời, cải thiện hồ sơ ứng tuyển để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động”, ông Mãi chia sẻ.

Để tránh bị lừa khi tìm việc làm thêm, ông Mãi khuyên: “Sinh viên cần tiếp cận nguồn thông tin tuyển dụng chính thống từ các ngày hội việc làm do trường, khoa hoặc đơn vị uy tín tổ chức. Vào trực tiếp website của công ty, doanh nghiệp tuyển dụng để tìm hiểu trước khi ứng tuyển. Tra cứu các thông tin về mã số thuế, xem những ý kiến của khách hàng với doanh nghiệp để xác minh. Mặt khác, sinh viên cần đánh giá cụ thể mong muốn của bản thân để tìm công việc làm thêm phù hợp. Đồng thời, chú ý sắp xếp thời gian hiệu quả để cân bằng giữa học và làm việc. Vì học vẫn là việc chính cần được đầu tư và ưu tiên hàng đầu”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.