Nhàn đàm: Ngón tay trỏ của ông Lee

25/09/2016 07:22 GMT+7

Ông Lee Chi-sang là lính Đại Hàn, từng có mặt ở phía tây huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi vào những năm 1966 - 1967.

Đó là những năm đã xảy ra nhiều vụ thảm sát của lính Đại Hàn với người dân vùng quê này. Biết tôi là nhà báo quê ở đây, ông Lee nhờ tôi đi tìm lại một vài nơi ông từng đóng quân và địa chỉ của một nông dân mà trong trí nhớ của ông thì vào thời điểm đó, ông ta khoảng 50 tuổi.
Ông nói: "Tôi gặp để cảm ơn ông ấy một tiếng vì nếu không có ông ấy thì gần 500 người dân vô tội đã bị sát hại". Ông Lee nhớ lại: "Lúc ấy khoảng 3 giờ chiều, tôi ghé nhà một nông dân dưới chân đồn để thông báo cho ông ấy biết rằng tối hôm đó có đánh lớn. Hay tin, những người dân trong xóm đã đi tản cư. Đêm đó không có đánh nhau như thông báo nên sáng hôm sau, họ lại gồng gánh trở về. Viên chỉ huy đồn lục soát quang gánh của họ và phát hiện rất nhiều lương thực, thực phẩm. Ông ta nghi rằng họ đã đi tiếp tế cho Việt cộng và cho tập họp lại để chuẩn bị hành quyết. Còn tôi thì ngay trong đêm đó đã được lệnh điều động sang một đồn khác nên không biết chuyện gì đã xảy ra. Trong lúc hàng trăm người đang hoảng loạn chờ những nòng súng nhả đạn thì có một nông dân đứng lên tiến về phía viên chỉ huy. Ông ấy đã "bút đàm" với viên chỉ huy bằng chữ Hán, rằng những người dân này đã nghe tin của ông Lee mà đi tản cư chứ không phải họ tiếp tế cho Việt cộng. Một cuộc nói chuyện bằng máy bộ đàm giữa tôi và viên chỉ huy nọ diễn ra sau đó. Tôi đã xác nhận thông tin đó là chính xác. Ngay lập tức, viên chỉ huy đã cho dừng cuộc hành quyết". Kể đến đó, ông Lee hạ một câu: "Chữ nghĩa đã cứu hàng trăm mạng người!". Ông Lee không nói gì thêm về mình nhưng tôi biết qua người phiên dịch của ông. Trước khi đi lính sang VN, ông là sinh viên năm thứ 2 của một trường đại học nên chắc chắn tay ông không muốn vấy máu.
Sau một buổi đường, chúng tôi cũng đã tìm ra ngôi nhà của người đàn ông nọ. Người con của ông thông báo rằng cha anh đã mất cách đây một năm. Ông Lee ngậm ngùi: "Giá như tôi đến sớm hơn". Trong suốt một ngày trời đi với ông Lee, tôi thấy ông luôn chắp tay trước ngực và khóc mỗi khi gặp những người nông dân. Sau mỗi lần chắp tay như thế, ông lại nhìn về phía tôi như cố che giấu một điều gì. Cho mãi đến bữa ăn tối, tôi mới phát hiện ra rằng bàn tay phải của ông đã mất một ngón trỏ. Biết không thể giấu được nữa, ông Lee thổ lộ: "Đây là "bằng chứng" luôn tố cáo sự có mặt của tôi ở VN những năm tháng ấy". Tôi an ủi ông: "Vết thương đã lành rồi mà". Ông nhỏ nhẹ như chỉ nói cho mình ông nghe: "Vâng, có thể vết thương nơi ngón tay tôi đã lành nhưng có một vết thương khác mãi mãi không bao giờ lành được: Ngón tay ấy đã từng lẩy cò súng, nhả đạn vào đất nước này". Tôi bỗng hiểu vì sao ở tuổi sắp 70, ông Lee vẫn còn lặn lội hàng vạn dặm từ đất nước Hàn Quốc xa xôi để trở lại mảnh đất còn quá nhiều nghèo khó này. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.