Nhàn đàm: Những bài thuốc quê của má

21/04/2024 08:30 GMT+7

Nước Mỹ vào xuân. Trời ấm lên sau gần sáu tháng chìm trong giá lạnh. Khắp nơi, hoa lá nở tưng bừng giữa nắng vàng chói chang làm thiên hạ rộn ràng yêu đời.

Nhưng giao mùa cũng là nỗi khiếp đảm của hàng triệu người khi đối diện với dị ứng phấn hoa, cỏ và lá. Nhiều người bị nặng đến nỗi mắt mũi kèm nhem, đau họng, ho sù sụ, da dẻ mẩn đỏ, đúng kiểu "sống dở chết dở", thở không ra hơi. Uống hay chích thuốc không bớt. Cứ mong trời mưa gột rửa hết phấn đi, hoặc… bỏ qua nước nào đó sống.

Tôi cũng không ngoại lệ. Càng ở lâu, cơ thể quen dần với thổ nhưỡng Mỹ. Ngoài thuốc tây, tôi uống chanh, gừng, mật ong mỗi sáng. Phải là mật ong mua chợ local (địa phương) mới tốt. Họ lấy mật của ong hút nhụy hoa trong vùng, sẽ cho sức đề kháng tốt hơn mật ong nhập.

Mà sáng nào uống ly nước mật ong, tôi cũng nhớ những bài thuốc quê của má.

Chúng tôi lớn lên khi đất nước bắt đầu mở cửa. Dư âm của năm tháng khó khăn thời bao cấp vẫn còn. Thuốc tây rất quý hiếm. Có tiền chưa chắc mua được. Thuốc bắc mua về có khi nổi mốc tùm lum. Nhưng không sao, chúng tôi còn có má! Có thể tìm thấy ở bà tất tần tật những bài thuốc bằng mấy mươi năm kinh nghiệm ở đời. Con nóng, má ra vườn hái bồ ngót giã vắt nước cho uống, lấy chanh chà sống lưng hạ sốt. Con đau bụng, má giã lấy nước gừng uống cho ấm. Nóng gan, nổi mụn, má lấy nước mía với mã đề nấu nồi nước mát. Cháu bị đẹn, cam tích, bụng to, má bắt cóc cọt, lột da, bỏ gan, rửa sạch, quết với tiêu hành, gia vị, gói vào lá thúi địch nướng lên thơm phức. Ăn chừng vài lần là da dẻ hồng hào, lớn nhanh như thổi.

Những vị thuốc thần tiên đó, có loại là nỗi ám ảnh kinh hồn của tôi. Lá tần là thuốc trị bá bệnh. Nóng, ho, sổ mũi, nhức đầu, giã lấy nước uống, lá đắp khắp người ít lần sẽ bớt. Tôi vốn ốm yếu, bệnh vặt hoài, nên lá tần theo suốt năm tháng tuổi thơ. Hễ mỗi lần nhìn chén nước lá màu xanh và ngửi mùi kinh dị ấy thì nước mắt nước mũi chảy dài. Năn nỉ má ơi má hỡi đừng cho con uống nữa nhen. Nhưng có thoát được đâu. Mấy chục năm đi qua, mỗi lần ngửi thấy mùi lá tần là tôi ớn lạnh sống lưng. Các món um, xào cá, ếch, lươn hay nấu canh chua ở quê nêm lá tần vô nghe đồn rất ngon. Nhưng đừng hòng tôi đụng vô một miếng.

Ngải cứu là thần dược trị ho nhưng vị đắng nghét của nó không đường hay mật nào át hết. Má hay dỗ ngọt, nhắm mắt lại uống cái ực thôi là hết ho liền. Cái ực ấy chứa đựng rất nhiều nước mắt, nước mũi lẫn cả trăm cái lắc đầu. Nhưng cuối cùng thì tôi vẫn là người thua cuộc. Bữa nào ba má hay anh chị trong nhà bị mệt mỏi, lừ đừ, má nấu nồi nước xông hơi giải cảm. Tôi lãnh nhiệm vụ đi hái các loại lá quanh nhà. Nếu cho nam xông thì bảy, nữ thì chín lá. Chanh, ổi, bưởi, sả… đi một vòng là kiếm được cả rổ. Má nấu nồi nước lá cho sôi, để giữa phòng, kêu anh chị cởi đồ ngồi vô. Giở nắp xoong, lấy mền to trùm người. Chừng mười phút thôi, mồ hôi mẹ mồ hôi con túa ra như tắm. Lỗ chân lông nở to, hơi nóng nồi lá thấm vô người. Khỏe liền tức khắc.

Má mất rồi, những bài thuốc thiếu đi cái duyên và bàn tay tài hoa năm cũ. Chúng tôi xa nhà, ở Úc, Mỹ, Canada, đều thủ sẵn hũ rượu gia truyền trong nhà, lỡ nhức mỏi, trật chân có cái mà xài. Ngoài thuốc tây, thỉnh thoảng uống lá cỏ cho đỡ nóng người. Mỗi lần về thăm nhà, ngồi xửng lửng ngó ra vườn, thấy bụi tần với ngải cứu tươi tốt xanh um mà nước mắt chảy dài. Có ai đánh đòn hay bắt uống nước lá nữa đâu, mà tự nhiên hu hu ngồi khóc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.