Nhàn đàm: Khi trái đất… 'trĩu nặng'!

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
14/04/2024 08:30 GMT+7

Sài Gòn hừng hực nắng. Thành phố hơn chục triệu người đi từ xuân qua hạ trong ánh mặt trời chói chang mỗi ngày.

Buổi sáng đầu tháng ba âm lịch, trong thinh không im ắng khi đóng cánh cửa nhà, bên ngoài nắng hắt lên thềm càng lúc càng gay gắt. Chiếc quạt điện mở hết công suất sau lưng, "nóng" lên theo từng đề tài khi hạn mặn bủa vây các tỉnh miền Tây, mạch nước ngầm của miền Đông ngày càng dần cạn kiệt. Thiếu nước uống, nước tưới và nhiều nơi đã phải dùng sà lan chở nước cứu khát.

Tự dưng, khi đọc các bài báo mô tả hiện tượng thời tiết, lại liên tưởng đến một đoạn trong cuốn Lịch sử thế giới của cụ Nguyễn Hiến Lê in lần đầu năm 1955, ở phần đề dẫn có tựa Con người trong vũ trụ, cụ viết rằng: "Trái đất chúng ta là một khối tròn trực kính trên 12.000 cây số, còn mặt trời là một khối lửa trực kính non 1.400.000 cây số. Từ trái đất đến mặt trời, đường dài là 149.000.000 cây số. Một chiếc phi cơ bay 1.000 cây số một giờ, bay từ Sài Gòn ra Hà Nội mất khoảng giờ rưỡi thì phải bay 149.000 giờ, nghĩa là 17 năm liền không nghỉ, mới tới được mặt trời". Khoảng cách ấy, từ "khối lửa" rót xuống hành tinh này ánh nắng mỗi ngày, xuyên qua biết bao vật thể giữa không gian mênh mông vô tận!

Buổi sớm, khi vầng mặt trời ló dạng, không khí nóng đã bắt đầu thấy dần phả vào từng cành lá và cả thân thể người. Nhiệt độ tăng dần vào buổi trưa với sự thiêu đốt mặt đất, đôi khi có cảm giác dường như đường nhựa bị nung chảy. Để rồi buổi tối, khí nóng phả ra từ các cao ốc, nhà cửa san sát với hàng hàng lớp lớp khối bê tông tường gạch bất động, khiến ai cũng có cảm nghĩ làn gió từ sông ngòi, kênh rạch ít ỏi còn lại đã không thể thắng nổi lớp khí nóng ban ngày tụ lại.

Mức sử dụng điện trong mùa nắng hạn thường tăng vọt. Chỉ tính riêng mỗi gia đình, mỗi tháng tăng thêm 1/4 điện năng, để có được làn gió từ quạt điện, mát mẻ từ máy lạnh, chỉ số điện tiêu thụ của một thành phố là cao biết bao nhiêu!

Dễ thấy nhất sự tiêu hao năng lượng của một thành phố cả chục triệu dân là lúc trên máy bay nhìn xuống. Hằng hà sa số ánh đèn, nhưng không chỉ có thế, hầu như các thiết bị làm mát trong mỗi nhà đang chạy hết công suất. Tự dưng nghĩ rằng, mùa hạ nhiệt đới xứ mình khiến cho sự hao tổn của hành tinh này càng ngày càng căng thẳng. Nghĩ rộng ra, khi nhân lên hàng ngàn thành phố, hàng trăm quốc gia cần phải sử dụng năng lượng để đối diện với sự nóng, lạnh thất thường của thời tiết, thì số liệu sẽ khổng lồ ra sao!

Con người vẫn phải đứng chân trên mặt đất và dựa vào đủ thứ mà tạo hóa sản sinh ra để tồn tại, nhưng gần như hầu hết mọi thành tựu khoa học có được từ ý tưởng sáng tạo của bộ óc nhân loại để phục vụ đời sống đều phải cần đến năng lượng, đó là xăng dầu, than điện, khí đốt… và càng ngày trái đất dường như đang… "trĩu nặng". Dù vậy, khi đọc đến một đoạn đề dẫn sau đây của cụ Nguyễn Hiến Lê trong quyển sách nói trên, lại bần thần xen lẫn đôi chút tin tưởng, mong rằng sẽ có những giải pháp thông minh, khéo léo để tồn tại: "Thời gian thì vô cùng và cái đời người sáu bảy chục năm của ta so với thời gian khác chi bóng câu qua cửa. Nhưng, mặc dầu bé nhỏ yếu ớt, đời người lại quá ngắn ngủi mà ta dám tranh khôn với Hóa công, dùng bộ óc nhỏ bằng nắm tay tìm hiểu những bí mật mênh mông của vũ trụ, thì quả là chúng ta cũng vĩ đại thật!". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.