Nhàn đàm: Tháng chạp nhớ thương

14/01/2024 08:30 GMT+7

Chị gọi qua, mới đầu tháng chạp chớ nhiêu mà coi bộ Ninh Hòa trở lạnh rồi. Đêm đến, gió thổi nghe nhức xương. Sáng dậy sương mù giăng lối. Bà con bắt đầu rục rịch dọn chợ tết rồi. Cậu tranh thủ về sớm ngắm nhìn cho đã.

Nói nào ngay, nghe hai chữ tháng chạp thôi, tự nhiên lòng dạ ruột gan gì cũng thấy nôn nao từng chập. Với những người xa quê, lìa xứ, cả năm làm lụng cực nhọc chỉ ngóng mong tới ngày này. Bằng bất cứ giá nào cũng cố gắng thu xếp về nhà đi chợ tết, mua hoa, bánh mứt, xúng xính áo quần thăm bà con họ hàng và ấm êm với gia đình trong bữa cơm tất niên giữa chiều nhạt nắng.

Bên này, tuần năm ngày cắm đầu đi làm giữa trời lạnh cắt thịt cắt da. Những cơn bão tuyết cứ dập dồn ập tới. Nên cũng chẳng biết ngày tháng là gì. Cuối tuần qua khu người Việt, thấy người ta bắt đầu treo lồng đèn, chưng bông, bán những mâm mứt đủ màu kèm mớ bánh tét, bánh chưng thơm lừng mùi lá. Trên cửa kính các tiệm, thấy người ta dán giấy mời đến tất niên chỗ này, chỗ kia trước tết mấy tuần. Tất nhiên, đều tổ chức vào thứ bảy hay chủ nhật khi mọi người rảnh. Ghé Costco khu châu Á, thấy cúc đại đóa rực rỡ một góc sân. Mua ít chậu về nhà để cho có không khí.

Thuở sanh thời, dù có khó khăn cỡ nào, giờ này ba má cũng bắt đầu lo cho cả nhà một cái tết ấm êm. Đâu có nhiều nhỏi gì, vài chậu cúc vàng, thêm mấy khóm vạn thọ, chậu thược dược với mãn đình hồng trước sân, là cả một trời nhớ thương đi vào nhung nhớ. Ba lo lấy lư hương, chân đèn xuống. Kêu đứa này đi xin khế chua, kêu đứa nọ ra bếp lấy tro rồi ngồi cặm cụi chà nửa ngày, bao muội khói, muội tro biến sạch trơn, mọi thứ trở nên bóng loáng.

Má sai chị ra chợ mua me lột sẵn, lựa trái thiệt mập, căng tròn, đem ngâm đường cát sống chứ không ngâm vô nước đường nấu nguội bởi me sẽ ra nhớt nhanh, không để được lâu. Mua vài ký kiệu, phơi héo, cắt rễ, lột vỏ, ngâm trong nước tro cho trắng, lèn vô thẩu, pha giấm, muối, đường, hong nắng làm kiệu chua. Đu đủ với cà rốt gọt vỏ, lấy miếng thiếc bén ngón, lượn sóng như mái tôn, cắt miếng cỡ đầu ngón tay, phơi hai nắng rồi bỏ thẩu làm dưa món. Cái tài làm dưa món của má hầu như bị thất truyền, không đứa con nào học được. Chẳng hiểu sao với những thứ giản đơn thế thôi, qua bàn tay tài hoa của má lại trở thành huyền thoại. Mua mớ mứt dừa, gừng, mứt dẻo, hột đưa, thẩu bánh thửng, mấy đòn bánh tét về để trong bếp, cúng ông bà và đãi khách.

Nhà làm ăn nên cái quán tạp hóa nhỏ của má cũng rộn ràng bán buôn đủ thứ hàng hóa. Từ ký đường, ký đậu, tới cái lò bằng đất nung, rồi giấy tiền vàng bạc cúng các bác, ông bà, ông Công ông Táo. Rồi vải vóc, áo quần, giày dép cho lũ trẻ trong thôn. Cuối năm, cũng là dịp ngồi tính toán nợ nần, coi ai thiếu mình hoặc mình thiếu ai. Người ta nợ mình thì không sao, chứ mình nợ ai lật đật cộng trừ rồi mang tiền đi trả cho xong, chứ chẳng để dây dưa qua năm mới.

Ba má mất cả rồi nên sợi dây ràng buộc thâm tình của những người trong gia đình cũng lạc mất nhau. Anh chị có vợ chồng, mỗi người một cuộc đời riêng, nhà nào cũng có bàn thờ tổ tiên nên cuối năm đều tự lo chuẩn bị tết nhất cho gia đình mình. Năm nào tôi về quê, nội đi ăn tất niên từ nhà này tới nhà kia, với những món thân quen, cũng tăng lên vài ký.

Tôi tuổi ngoài bốn mươi, vẫn đắm đuối mê tết như thuở thiếu thời, tóc xanh vời vợi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.