Lòng cứ cảm khái ấn tượng quang cảnh hai bên đường khi tàu lê rê, vun vút. Vườn cây lòi xòi lọc xọc, vuông tôm to nhỏ lặng lờ với cánh quạt nước trăng trắng, cô gái xa xăm chải tóc hiên sau, dây áo quần đong đưa trễ nải của cuộc sống yên bình, đám chuối ven đồi nhìn xa như đám bắp, cánh lúa mơn mởn dậy thì như tấm thảm nhung pha vài nét hoa văn của những vạt chín sớm hay vừa gặt xong... Chỉ có thế cũng đã mê mải tận cùng.
tin liên quan
Nhàn đàm: Chuyến xe buýt cuối ngàyĐường sắt VN chủ yếu chạy qua nông thôn. Cảnh vật mỗi nơi đều có những dáng sắc riêng nhưng tựu trung vẫn là một thiên nhiên nhiệt đới gió mùa lam lũ mà giàu nhựa sống. Gân guốc nhất là phong cảnh qua đèo Hải Vân, đèo Cả, đường tàu uốn lượn, biển núi trùng trùng hun hút, mây gió lơ phơ đan cài với nỗi đời thường vụn vặt. Nhiều thung sâu cô lặng như trong truyện cổ tích, thỉnh thoảng thấy có người vác củi, con trẻ đi học, người gác ray cho những chuyến tàu ngược xuôi nam bắc...
Có khi lòng lâng lâng, cứ muốn tàu đi mãi không về. Vậy mà đôi khi lại muốn được nhẹ nhàng thả xuống một vạt hoa ven đường. Hoa, phải nói là cơ man bạt ngàn hai bên đường tàu, mà lạ lùng nhất là các loài hoa như không tên không tuổi, vô tư trình diễn thời trang giữa nắng gió vô tình.
Có những đêm nằm nghe tiếng còi tàu mà dạ cồn cào khó tả. Phải đâu giang hồ thứ thiệt mà có thể tức tốc lên đường. Nỗi gánh ràng buộc trong đời cứ hiện hữu trong từng bữa ăn, hơi thở. Thôi đành mơ vọng tiếng kình kịch đường ray và những hồi còi thao thiết. Đâu phải thiếu thốn gì những chuyến đi xa, vậy mà bồn chồn, bung binh như gã say tàu.
Cũng chẳng phải đã có máu nghiện tàu như ông trưởng toa nói trong một lần trò chuyện. Tôi chỉ là kẻ mơ hoang cho cân bằng nỗi cơ hồ, cho những điều thẳm sâu mà không đủ gan bắt tay thực hiện. Để rồi mỗi khi được bước lên tàu, lại lẩm nhẩm câu thơ của Phạm Hữu Quang trong trí nhớ “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”...
Bình luận (0)