Nhiều khi, với ít chữ nhất, với những chữ bình thường nhất, nếu anh tạo ra được một bài thơ hay, anh sẽ sánh ngang với những người làm món ăn từ những nguyên liệu rẻ tiền, từ những con cá nhỏ. Đó là nghệ thuật tối giản, hay nghệ thuật tối thiểu, một nghệ thuật cao siêu chứ không phải dạng vừa. Văn Cao, trong một số bài thơ của mình, đã làm và đạt thành công từ nghệ thuật ấy. Đó cũng là nghệ thuật mà tôi rất ưa chuộng, dù không phải lúc nào tôi cũng dùng và cũng thành công.
Nói thêm về chữ nghĩa trong thơ, những chữ nhỏ bé, tầm thường giống như những con cá nhỏ không tên tuổi mà dân biển thường đánh được mỗi khi ra khơi. Họ không bán những con cá này, chỉ để… nhậu. Thì hóa ra, những con cá nhỏ không nổi tiếng này lại ngon hơn những loài cá lớn danh tiếng nổi như cồn. Ngon hơn rất nhiều. Ăn rất lạ miệng.
Thơ cũng vậy. Nhiều khi với những con chữ tầm thường, mù mờ, mình có thể viết nên bài thơ "lạ miệng", hơn là dùng những chữ to tát, những chữ "hoành văn tráng". Thơ cũng giống như những con cá nhỏ, có thể nó ngon vì không nổi tiếng, nhưng nó ngon vì chính phẩm chất nội tại của nó. Khi ăn, hay khi đọc, người ta nhận ra ngay. Dù những con cá "lớn" có vẫy vùng trên bàn trên mâm bao nhiêu năm, thì người ta vẫn có cách để nhận ra vị ngọt ngon của những con cá nhỏ. Nhà thơ cũng vậy. Nhiều khi nhà thơ lớn chưa chắc đã "ngon" hơn nhà thơ nhỏ. Cái chính là bài thơ, chứ không phải nhà thơ.
Đi máy bay, tôi cũng đã vài lần ngồi vé "VIP". Và có một lần ngồi "ghế súp". Tôi nhớ mãi lần ngồi ghế súp đó, chứ không nhớ những lần được coi như VIP. Bởi ở lần ngồi ghế súp năm 1985, tôi đã đi máy bay không… vé. Nhờ lời gửi của một người thân với hàng không, và nhờ tập thơ Khối vuông ru-bích tôi tặng các anh phi công, tôi đã được các anh ưu tiên cho ngồi gần buồng lái, với một cái… thùng đặt tạm làm ghế. Hơn một tiếng rưỡi đồng hồ từ Hà Nội vào Đà Nẵng, tôi đã cảm thấy mình may mắn vô cùng. Hồi ấy cực khó để mua được một cái vé máy bay. Như thế, vấn đề của anh hay của thơ, là hoàn cảnh trong đó anh hay thơ xoay xở, chứ không phải sự đặt định. Bài thơ cũng phải tự xoay xở để thoát ra, để đi tới kết thúc, dù nó "ngồi" trên một cái tứ "VIP" hay một cái tứ "ghế súp". Nhà thơ cũng vậy luôn. Ngồi ở đâu không quan trọng bằng ngồi như thế nào. Ngồi giữa chợ mà tươi vui, thanh thản vẫn sướng nhiều lần hơn ngồi phòng khách đặc biệt mà không thoải mái...
Nếu "những con cá nhỏ" có thể làm nên một bữa cơm ngon, thì tại sao không, những ngôn từ bé bỏng, giản dị, như lời ăn tiếng nói hằng ngày, những ngôn từ của mẹ ta, của vợ ta, lại không thể tạo nên một bài thơ hay?
Tôi đã ca ngợi thơ Xuân Diệu khi ông có những bài thơ với những ngôn từ là "những con cá nhỏ" đó. Xuân Diệu đã đi tiên phong trong việc sử dụng những ngôn từ bình dân nhất, "thường dân" nhất để có được những bài thơ hay, mà hồi những bài thơ ấy mới xuất hiện, người ta lườm nguýt "Thơ gì lạ thế này? Cứ như văn xuôi nhà quê"…
Vâng, đó là thơ hay đấy ạ. Bây giờ, có nhà thơ gọi một cụm từ rất hay là "thơ ngoài thơ" đấy ạ. Thơ ngoài thơ vẫn là thơ, chứ sao.
Bình luận (0)