Nhàn đàm: Về thương áo lụa

01/10/2023 08:00 GMT+7

Xuôi con đê cong cong về ngôi làng dệt lụa nức tiếng ven sông Hồng trong ánh nắng mênh mang bình yên, được thấy cảnh phơi lụa mà lòng bỗng xốn xang.

Cảnh vật, con người đều đẹp và gợi ký ức. Những ký ức trong dài rộng tháng năm đã xa vời làm nhức buốt cả một trời thương. Làng lụa còn ít người dệt lụa quá, không còn không khí náo nức thoi đưa như thời hoàng kim. Những cỗ máy năm xưa giờ ở nơi nào. Trước đây, trên mảnh đất thân thương Việt Nam có biết bao làng dệt lụa, làm nên bao mùa nhan sắc. Nhưng giờ chỉ còn vài làng nổi tiếng, cũng chỉ còn ít hộ dân cần mẫn theo nghề.

Lại nhớ thời xưa xa, lạ lắm, dường như ven con sông nào chẳng có những bãi dâu biêng biếc. Người trồng dâu nuôi tằm một nắng hai sương, đôi tay chẳng bao giờ ngừng việc để gom nhặt thành mùa tơ. Từ những sợi tơ mỏng manh, óng ánh mà thành tấm lụa, tôn cho sắc vóc của con người. Áo lụa được diện trong dịp lễ tết, trong cả những buổi gặp mặt trang trọng hằng ngày. Áo lụa theo nữ sinh đến trường, những buổi xôn xao hò hẹn người yêu. Áo lụa thành một mặt hàng còn hơn cả đồ trang sức, tôn bồi vóc dáng, vẻ đẹp cho những cô gái đài các, tươi xinh. Đã có hàng trăm bài thơ về áo lụa, áo dài, về những đôi tay tảo tần sớm hôm để làm nên tấm lụa đẹp. Chắc lẽ, ca khúc Áo lụa Hà Đông của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, phổ thơ Nguyên Sa là một trong những bài nổi tiếng nhất: "Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông/Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng/Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng…".

Da diết, thân thương. Tấm áo lụa dài gợi biết bao vẻ đẹp thiếu nữ, duyên dáng đã được vần thơ, sau đó là ca khúc nâng tầm lên. Các thế hệ người Việt hôm nay, hễ có dịp vẫn ngân nga ca khúc này. Ngay cả hôm nay, tôi về làng lụa muốn tìm ký ức của một thời cũng ngân thương bài hát. Tôi hỏi làng, hỏi sông, vì sao một thời áo lụa được ưa chuộng đến thế? Vì sao các làng lụa từng phát triển sôi động, mà nay im lìm, mai một, chỉ còn ít làng giữ nếp xưa, nghề cũ. Có phải ngày nay, khi cuộc sống quá sôi động, gấp gáp, nghề dệt lụa vất vả, thu nhập không cao nên bị bỏ lại? Có phải người trẻ bây giờ thích đồ may sẵn, tiện lợi, không tha thiết với nghề cha ông?

Những câu hỏi chong chong, ắt hẳn nhiều người cũng hỏi và tự trả lời. Có chẳng ít nghề cổ truyền mai một trong dòng chảy vội vã. Rất nhiều nét đẹp xưa cũ đã bị đốn ngã bởi tư duy thực dụng mà con người hôm nay muốn phục dựng. Nhìn tấm áo lụa dài do các thiếu nữ diện lên, ai cũng nhận ra vẻ đẹp tinh khôi, mềm mại. Ai cũng thấy cái lãng mạn, chất thơ hằn lên trên từng vạt áo bay.

Những năm tháng này, khi cầm cọ vẽ về thiếu nữ, tôi càng thấy mình chẳng thể nào tả hết vẻ đẹp ấy. Càng vẽ, càng thấy thiếu, nhưng càng thấy mê, thấy thương. Thương yêu làm sao những vạt áo lụa vẫn bền bỉ dâng đời những nét đẹp tinh tuyền, để cuộc sống thêm ý nghĩa. Rồi lại mong có một ngày nào đó, trong xô bồ thời gian, nhiều làng lụa trở lại, bắt tay nhau giúp nghề dệt lụa trở lại thời hoàng kim. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.