Khu vườn này do một tay bà cụ gầy dựng nên, đếm năm gắn bó bằng cả đời người. Bà gần như có tất cả mọi thứ của kiếp người, con trai, con gái, dâu rể, cháu chắt đều ở chung một nơi xôm tụ. Ở cái tuổi 97 gần như đã đến điểm cuối của cuộc đời, bà đâu còn mong cầu điều gì hơn.
Phòng trọ tôi thuê nằm trong dãy phòng của con gái bà, phía trước có khoảng sân lá vàng rơi theo gió. Vào mùa Sài thành mưa lâu, nước dâng lên ngập sân, ngồi ở cửa sổ ngóng ra, nỗi nhớ nhà đầy tràn khóe mắt tôi. Mỗi tối trăng lên, vài đứa ở nhờ ở tạm tụi tôi ngồi lại chỗ bàn ghế đá nghe bà cụ kể chuyện xửa xưa. Có nụ cười ngơ ngẩn, có ký ức đau thương, có những khát vọng mà bọn trẻ thời nay chẳng thể nào hiểu hết được.
Một dạo, giữa phố thị nhộn nhịp người mong ghé đến kẻ thèm rời đi, cứ vài ngày bà cụ lại đòi về quê. Sau quãng đường dài đằng đẵng bỏ xứ xa tha hương lập nghiệp, đến khi cuối đời, bà tha thiết ước muốn quay về. Bà hay giục con dâu, "bây mang cơm cho ta ăn nhanh để xếp quần áo cho kịp giờ".
Con dâu biểu bà đãng trí quá, cứ nhìn vào tấm hình ba chồng mà hỏi ai đây. Bà quên mình đã ăn cơm rồi, vừa đi tắm xong hay hôm nay ngày mấy. Thậm chí bà còn không biết phải ngủ lúc nào, đi vệ sinh ở đâu. Căn bệnh sa sút trí nhớ khiến bà bất giác khóc cười, bối rối khi gặp con cháu và thầm thì những điều lạ kỳ.
Thế nhưng, bao kỷ niệm của quá khứ thì bà lại nhớ. Bà nhớ ụ rơm trước cổng, nơi mà bà từng chui vào trốn những trận đòn roi. Bà một mình lẩm nhẩm một bài thơ xưa rồi mắt sáng rỡ: "Má thấy chưa, con thuộc rồi!". Bà ngồi thờ thẫn trách cái chân đau không thể chạy nhảy trên cánh đồng chiều.
Bữa bà thèm đào lộn hột nướng trên lá khô đốt lửa, bận bà nhớ món mắm mút dòi mặn mòi qua mùa bão. Căn nhà bà từng ở nằm giữa bốn bề cát trắng, hai mùa nắng cháy mưa dầm. Cát khô khốc trải dài miên miết toàn cây bụi, xương rồng, nhưng hoa muống biển vẫn nở tím xinh khi đi về phía con sóng vỗ. Năm đó giặc càn qua nhà, mái tranh cháy trụi, bà phải bồng đàn em trốn dưới bụi ô rô ven sông.
Trong câu chuyện ít ai hiểu của bà, tôi như nhìn thấy cô gái tuổi đôi mươi khắc khoải quay lại quê xưa chốn cũ. Chỉ ước được ngồi ở đó, cùng ba cùng má ăn bữa cơm nhà, bỏ kiếp tha hương.
Nhìn bà, tôi tự hỏi, phải chăng người già mắc bệnh đãng trí là bởi, vào những ngày tháng còn lại ngắn ngủi ấy, họ đang bận nhớ cả cuộc đời, nên mới nhất thời quên mất hiện tại? Dường như, một người phải sống những tháng ngày phong phú, kinh qua bao chuyện, trải hết mọi cung bậc cảm xúc, tha thiết yêu thương mỗi khung cảnh, con người, thì mới có nhiều điều để nhớ như thế.
Thật ra, nếu đã không nhớ thì không cần phải nhớ nữa. Chỉ cần nhớ những thời khắc hạnh phúc là được. Cũng như bà cụ đãng trí kia, dù đi bao xa bao lâu, dù quên mất tuổi tên, thì vẫn luôn dâng tràn thương nhớ về khoảng thời gian êm ấm sống giữa quê hương mình.
Và tôi tin chắc rằng, có những đoạn đường đi qua rồi sẽ quên, nhưng chẳng bao giờ ta quên được đường về nhà.
Bình luận (0)