Nhàn đàm: Xôn xao tháng chạp

24/01/2021 06:36 GMT+7

Tết đủng đỉnh về quê tôi từ rất sớm. Giữa tháng chạp khi theo cha mẹ đi nhổ hành tỏi trên đồng đã thấy mùi tết chộn rộn trong lòng rồi.

Lúc đó tết có mùi hăng của hành củ, mùi nồng của tỏi tươi. Người làng kéo tết về nhà trên những chiếc xe bò bánh cao su. Hành tỏi được bó túm, cắt bớt rễ, bóc vỏ xấu rồi treo tăm tắp trên giàn tre trong sân. Nắng tháng chạp yếu, không đủ sức làm hao đi thứ tinh dầu cay nồng. Hành tỏi được hong khô trong gió bấc. Khi nào lớp vỏ hành, vỏ tỏi khô giòn mẹ tôi lấy lạt cột thật chặt rồi treo lên gác bếp cho bắt bồ hóng, cho hơi nóng từ bếp rơm bay lên chống óp.
Trong khi gió bấc làm nhiệm vụ của nó thì nhà nào nhà nấy đánh trâu ra đồng cày bung lên những luống hành luống tỏi rồi tản ruộng, bừa thật kỹ để cấy vụ lúa mới. Lúc đó, lớp rạ phủ luống hành tỏi đã mục xộc lên mùi của mùa màng, nắng gió. Có mấy đám khói bốc lên giữa cánh đồng bọn trẻ chăn trâu nhóm lên nướng ngô, nướng khoai. Lẫn trong mùi khói có hương thơm cỏ mật, mùi cỏ mần trầu, cỏ sữa cháy. Đấy cũng là mùi của tết, thứ mùi quen thuộc của mùa vụ hối hả, thúc giục khiến những đứa trẻ con cũng hăng say.
Ở một góc sân mẹ tôi quây gạch, lấy bùn lặn ở đầm về rây qua sảo tre cho mịn, trang phẳng rồi gieo mạ. Năm nào rét, mẹ lấy tro bếp ném lên trên mặt đám mạ vừa nhú mầm xanh. Vụ nọ gối lên vụ kia, ruộng cày bừa ngấu là mạ vừa tuổi cấy. Mạ gieo trên sân chỉ cần lột nhẹ rồi cuộn lại gánh ra đồng. Miếng mạ nằm trên tay người cấy xanh nõn, tay người ra mạ, đặt xuống ruộng cứ thoăn thoắt. Cấy nhanh kẻo tết. Cấy xong, lúa bén rễ xanh um thì yên tâm chơi tết, ăn tết đến hết tháng giêng.
Tháng chạp cũng là tháng làng tôi dỡ sắn dây, những củ sắn dây được rửa sạch, cạo vỏ, nghiền bột rồi chắt lọc thành những mẻ bột trắng tinh. Bột sắn dây ướp hoa bưởi thơm lành của làng Quế được gửi đi khắp nơi làm quà. Mảnh sân nhà nào cũng để kín chậu nhôm, thùng lọc sắn. Những nia bột phơi trên mặt bể nước, trên giậu cúc tần hay bụi tre dây tỏa ra hương thơm ngai ngái của bột sắn còn ướt và hương hoa bưởi nồng nàn bện vào nhau rất đặc trưng.
Ông tôi thường chọn những cây tre già nhất, tỉ mẩn ngồi pha nan, cột lại thành từng bó để dành gói bánh chưng, cột túm hành tỏi. Những đốt tre tốt nhất ông ngồi vót đũa, đũa ông vót tròn, đều, thơm mùi tre già. Ông ngồi trên ghế đẩu lọt thỏm trong cái áo chần bông màu xám giữa ngày đông giá rét cặm cụi tỉ mẩn từ sáng sớm tràn sang chiều muộn. Ông bó đũa thành từng chục, nhẩm tính cả họ bao nhiêu người để vót cho đủ đũa mới. Trước 23 tháng chạp ông xếp từng bó đũa vào túi cước rồi đi biếu từng nhà. Tôi thường lẽo đẽo theo ông, hóng chuyện bên bàn trà của người già nghe chuyện chuẩn bị tết nhất: chuyện lấy ni lông quây giữ ấm để đào nở kịp tết, chuyện hoa trà nở sớm, chuyện hành tỏi mất hay được mùa, chuyện đứa con xa xứ mấy năm rồi chưa về quê ăn tết, một đứa cháu chưa ngoan… Mùi trà, mùi thuốc lào, mùi trầu ấm áp, mùi của người già cũng là một phần của tết.
Tết ngày xưa thiếu thốn đủ bề, cha mẹ còng lưng gánh tết. Tết bây giờ đã đủ đầy hơn, là dịp để trở về quây quần bên gia đình như một quãng nghỉ ngơi giữa những tháng ngày dài lo toan đằng đẵng. Và bao giờ cũng thế, nhìn vào những đôi mắt trẻ thơ thì tết vẫn vẹn nguyên háo hức, đợi chờ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.