Ngày 16.12, Công an TP.HCM phối hợp Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội thảo "Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM". Đại diện các bệnh viện, công an quận, huyện nêu ra nhiều thực trạng, trong đó nhấn mạnh các loại “cò” bệnh viện và những tình huống mất an ninh, trật tự tại bệnh viện.
Đủ trò “cò” xe cứu thương
TS-BS Trần Văn Sóng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 nêu vấn đề quản lý xe cứu thương. Theo TS-BS Sóng, tại Bệnh viện Nhân dân 115, các đối tượng “cò” dịch vụ xe cấp cứu, vận chuyển, hoạt động ngày càng phức tạp với những phương thức thủ đoạn manh động, nguy hiểm.
Hội thảo khoa học về tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế |
DUY TÍNH |
Theo đó, "cò" tổ chức theo nhóm, trà trộn, tiếp cận thân nhân người bệnh để phát danh thiếp, tờ rơi, trao đổi số điện thoại nhằm câu kéo sử dụng xe cứu thương; đe dọa, chèn ép người bệnh, người nhà dùng xe cứu thương. Các đối tượng đậu xe ô tô trước cổng hoặc vào khuôn viên bệnh viện dưới danh nghĩa xe nhà, xe từ thiện để lôi kéo người bệnh lên xe.
“Cò” còn tổ chức thành nhóm gây mất an ninh, trật tự, la mắng, đe dọa, hành hung nhân viên bảo vệ. Những người này quay clip vu khống các đội xe cứu thương chính thống hoặc của đơn vị được cấp phép hoạt động, tung thông tin sai lệch, gây mất uy tín, hình ảnh của bệnh viện. Các đối tượng cung cấp hình ảnh không đúng với thực tế, hoặc chở người bệnh đi một đoạn rồi đổi sang xe khác cũ kỹ, kém chất lượng hơn rất nhiều.
“Mỗi ngày bệnh viện có 200 người xuất viện nên nhu cầu liên hệ xe rất lớn. Nhiều trường hợp sử dụng xe không đảm bảo chất lượng. Do đó, ngoài việc kiểm soát xe ra vào, giải thích cho người nhà về công tác vận chuyển, bệnh viện đề nghị công an tiếp tục tuần tra, hỗ trợ. Cần có quy định chặt chẽ về xe cứu thương”, TS-BS Sóng nói.
“Cò” lộng hành ở bệnh viện
Đại diện Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, trước đây, tình hình "cò" tại bệnh viện rất phức tạp. Có thời điểm đến 70 - 80 “cò” tung hoành; thậm chí nhiều khu vực “cò” bán số thứ tự khám bệnh. Nhân viên nói lại thì bị đe dọa, hành hung.
“Sau đó bệnh viện quyết tâm dẹp, cho đội bảo vệ dịch vụ nghỉ. Bởi đội bảo vệ này không chuyên nghiệp, chất lượng rất thấp, khi bệnh nhân hỏi có cách nào khám nhanh, bảo vệ chỉ ngay cho “cò” và nhận 50.000 đồng/người. Một buổi sáng nhận từ 10 - 20 người thì kiếm được 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đầu tư cho lực lượng bảo vệ cơ hữu, được sự hỗ trợ từ công an, bệnh viện đã đẩy lùi được "cò". Hiện nay chỉ còn vài đối tượng xung quanh bệnh viện”, đại diện Bệnh viện Đại học Y Dược nói.
"Cò" bệnh viện lộng hành |
NGỌC DƯƠNG |
Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy điểm qua các loại "cò" tại cơ sở này. Theo đó, có 3 loại “cò”: “cò” bốc số, “cò” dắt bệnh chen ngang (phần lớn liên quan nhân viên bệnh viện), “cò” xe cứu thương liên quan bên ngoài lẫn liên quan đến nhân viên bệnh viện.
“Bệnh viện đã giải quyết không còn “cò” bán số, “cò” khám bệnh nhờ ứng dụng công nghệ thông tin bốc số, dữ liệu bệnh nhân. Không cho xe cứu thương bình thường vào bệnh viện và chỉ cho xe cứu thương có đăng ký, đồng thời có giải thích cho người bệnh”, bác sĩ Việt chia sẻ.
Thủ đoạn móc túi, lừa tiền
Bên cạnh vấn nạn “cò”, tại các bệnh viện còn xảy ra tệ nạn trộm cắp, lừa đảo và cả "tín dụng đen" khủng bố.
Bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, có hiện tượng nhân viên do thiếu kiến thức đã vay tiền qua ứng dụng trên điện thoại, nợ "tín dụng đen", sau đó bệnh viện và lãnh đạo bệnh viện bị khủng bố. Còn có việc giả mạo thông tin bệnh viện để sử dụng dịch vụ tang lễ. Có cả tình trạng giả mạo sinh viên y khoa thực tập để trà trộn, khi bị phát hiện đeo bảng tên cũ, không phù hợp và giảng viên yêu cầu điểm danh, kiểm tra thì đối tượng bỏ chạy.
“Có người giả vờ bệnh rất nặng đến khu thân nhân chờ để kêu gọi tình thương. Đồng bọn giả đò cho trước, người dân cũng thấy thương nên cho theo”, đại diện Bệnh viện Đại học Y Dược kể thêm.
Về thủ đoạn lừa gạt, theo bác sĩ Phạm Thanh Việt, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các đối tượng trà trộn vào làm quen với bệnh nhân. Khi gần đến ngày xuất viện, bệnh nhân chuẩn bị tiền đóng viện phí thì bị đánh thuốc mê, móc túi. Ngoài ra, còn lường gạt bằng hình ảnh nhân viên y tế (mặc áo blouse) như gửi bệnh, gợi ý đưa tiền, quà.
Vừa chống "cò" bệnh viện, vừa giám sát an ninh, trật tự, Bệnh viện Chợ Rẫy gặp khó khăn do lực lượng bảo vệ mỏng, trong khi chưa có quy định mức độ phản kháng tự vệ, mức độ được phép sử dụng công cụ hỗ trợ. Do đó, có khi bảo vệ bị đánh trong thời gian chờ công an đến.
Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy và các bệnh viện đề xuất công an phối hợp nhanh hơn nữa, tăng cường tuần tra, kể cả nếu được cắm chốt tại bệnh viện; có cơ chế tính chi phí bảo vệ an ninh, trật tự vào viện phí để bệnh viện thuê bảo vệ... Có quy định quyền và nghĩa vụ của thân nhân người bệnh. Cần có những giải pháp mạnh hơn nữa để giải quyết vấn đề an ninh, trật tự trong và xung quanh bệnh viện.
Giám đốc Công an TP.HCM, thiếu tướng Lê Hồng Nam cho biết, từ năm 2017 đến nay, TP ghi nhận 314 vụ việc liên quan an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế. Cụ thể, có 2 vụ giết người, 6 vụ cố ý gây thương tích, 244 vụ gây rối trật tự công cộng; 13 vụ cò mồi, môi giới dịch vụ khám, chữa bệnh gây rối trật tự công cộng tại bệnh viện; 59 vụ trộm cắp tài sản; 2 vụ làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức; 7 vụ hủy hoại tài sản, cưỡng bức, cưỡng đoạt tài sản; 8 vụ đòi nợ thuê.
Bình luận (0)