Theo như kế hoạch, Tổng thống Donald Trump sẽ có cuộc gặp lần hai với Chủ tịch Kim Jong-un tại Hà Nội vào ngày 27 - 28.2. Khác với cuộc gặp đầu tiên ở Singapore hồi tháng 6.2018, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim đến VN lần này với sự kỳ vọng về những cam kết thực tế và rõ ràng hơn, theo nhận định của giới quan sát.
“Tôi không gấp rút (trong việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên). Nếu có thử nghiệm hạt nhân thì đó sẽ là một thỏa thuận khác nhưng hiện không có cuộc thử nghiệm nào cả”, Tổng thống Trump nói với phóng viên tại Nhà Trắng hôm 20.2. Theo phân tích của ông Frank Aum, cựu cố vấn cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ về Triều Tiên trong chính quyền tiền nhiệm Barack Obama, tuyên bố này cho thấy một bước chuyển căn bản trong chính sách của Tổng thống Trump về vấn đề Triều Tiên chỉ sau 6 tháng. Đài NPR dẫn lời ông Aum cho rằng các chính quyền trước đây tại Mỹ cũng như chính quyền Tổng thống Trump những ngày đầu luôn yêu cầu Bình Nhưỡng giải giới hạt nhân trước rồi mới bàn về khôi phục hòa bình và bình thường hóa quan hệ.
tin liên quan
Thượng đỉnh Mỹ - Triều không bàn việc rút quân Mỹ khỏi Hàn QuốcĐiểm đáng lưu ý là trong tuyên bố chung sau cuộc gặp ở Singapore, cả hai bên thống nhất kế hoạch 4 điểm trong đó nhấn mạnh việc thiết lập mối quan hệ song phương và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên trước rồi mới đến việc phi hạt nhân hóa. Về phía Triều Tiên, nước này được cho là muốn tiến trình đàm phán diễn ra từng bước một và Mỹ cần có những động thái nhượng bộ tương xứng. Giới quan sát dự đoán mục tiêu chính của Bình Nhưỡng tại Hà Nội vẫn là muốn giảm bớt lệnh trừng phạt kinh tế và một sự đảm bảo an ninh nhằm tiến tới tuyên bố hòa bình, chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953).
Bloomberg hôm qua dẫn lời cựu đại tá thuộc lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại Hàn Quốc David Maxwell bày tỏ lo ngại Tổng thống Trump có thể đưa ra những nhượng bộ quá mức, “không có trong kịch bản” khi gặp Chủ tịch Kim tại Hà Nội, bao gồm việc rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc. Tuy nhiên, Reuters cùng ngày dẫn lời hai quan chức Mỹ giấu tên khẳng định đây không phải là vấn đề được bàn trong cuộc gặp tới. Thay vào đó, hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung làm rõ khái niệm phi hạt nhân hóa, điều vẫn chưa được hai bên thống nhất. Trong cuộc gặp ở Singapore hồi năm ngoái, Chủ tịch Kim cam kết sẽ có hành động tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, có thể gồm việc loại bỏ lá chắn tên lửa và lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc nhưng phía Washington yêu cầu Bình Nhưỡng từ bỏ toàn bộ chương trình tên lửa và hạt nhân trước.
Dù vậy, các nhà quan sát cho rằng cả hai bên đều đối diện những sức ép nhất định về việc đạt được những tiến bộ rõ ràng và cụ thể từ cuộc gặp song phương lần hai này. Do đó, nếu hội nghị kết thúc với việc Triều Tiên đồng ý đóng băng làm giàu hạt nhân, phát triển tên lửa hoặc Mỹ dỡ bỏ bớt một số lệnh cấm vận đều là những bước tiến ban đầu nhưng vẫn rất quan trọng.
Triều Tiên kêu gọi Liên Hiệp Quốc viện trợ lương thực
Người phát ngôn Liên Hiệp Quốc (LHQ) Stephane Dujarric hôm qua cho biết chính quyền Bình Nhưỡng đã đề nghị các tổ chức nhân đạo quốc tế viện trợ nhằm đối phó tác động từ khủng hoảng an ninh lương thực tại nước này. Triều Tiên đã thông báo với LHQ rằng đang đối diện với việc thiếu hụt 1,4 triệu tấn lương thực gồm gạo, lúa mì, cà chua và đậu nành trong năm nay. AFP dẫn số liệu thống kê của LHQ cho thấy khoảng 41% dân số Triều Tiên đang cần viện trợ lương thực. Theo người phát ngôn Dujarric, các cơ quan LHQ đang đối thoại với Bình Nhưỡng nhằm sớm có biện pháp đáp ứng yêu cầu viện trợ nhân đạo này.
|
Bình luận (0)