Quan ngại về Biển Đông
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên trong chuyến thăm Tokyo vừa qua, quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay Biển Đông là khu vực quan trọng đối với nước này. Đây là tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng, nơi có nhiều tàu thuyền với lượng hàng hóa lớn được vận chuyển qua. Do đó, việc đảm bảo tự do hàng hải tại khu vực này rất cần thiết đối với Nhật Bản cả về mặt kinh tế lẫn quân sự.
Theo quan chức Bộ Quốc phòng Nhật, Tòa Trọng tài quốc tế vào năm 2016 đã ra phán quyết qua đó khẳng định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là trái luật quốc tế. Nhật cũng bày tỏ quan ngại về các hành động quân sự hóa của Trung Quốc tại khu vực như triển khai khí tài, xây dựng tiền đồn quân sự. Tokyo đã nhiều lần lên tiếng hối thúc Bắc Kinh kiềm chế và nhấn mạnh sẽ tiếp tục theo dõi sát sao. Phía Nhật cũng lưu ý không chỉ ở Biển Đông mà Trung Quốc còn gây quan ngại tại biển Hoa Đông.
Giữa tình hình khu vực nhiều biến động, Nhật Bản đã và đang thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở với 3 trụ cột chính: thúc đẩy và thiết lập trật tự dựa trên luật pháp, tự do hàng hải và thương mại; thúc đẩy thịnh vượng về kinh tế; cam kết về hòa bình và ổn định. Riêng với các nước ASEAN, Nhật Bản chú trọng cải thiện tính kết nối và tham gia hỗ trợ các nước trong khu vực nâng cao năng lực của lực lượng chấp pháp trên biển. Tại VN, Nhật Bản đã bàn giao 6 tàu tuần tra, 7 tàu đã qua sử dụng cùng trang thiết bị liên quan cho VN. Bên cạnh đó, các hoạt động huấn luyện cũng đã được triển khai.
Triều Tiên - mối lo ngại thực sự
Tuy vậy, các quan chức Nhật Bản nhấn mạnh vấn đề Triều Tiên mới là mối lo ngại lớn đối với họ. Mặc dù khẳng định ủng hộ hoàn toàn cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên, nhưng Tokyo vẫn không thể quên cảnh giác khi tiến trình này đang lâm vào bế tắc và cho rằng Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, trong năm 2019, Triều Tiên đã 15 lần phóng thử tên lửa ở nhiều địa điểm khác nhau và nhắm vào mục tiêu cụ thể. Phía Nhật cũng lưu ý Triều Tiên phóng tên lửa với quỹ đạo cao hơn bình thường nên khó để đánh chặn hơn. Ngoài ra, các tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa của Bình Nhưỡng có thể đánh trúng Nhật phụ thuộc vào góc phóng. Bên cạnh đó, Nhật Bản đánh giá khả năng tấn công bất ngờ của Triều Tiên đã được cải thiện, bao gồm các hoạt động thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm hay bệ phóng di động. Điều này khiến việc phát hiện dấu hiệu phóng tên lửa trở nên khó khăn hơn. Bộ Quốc phòng Nhật cũng nghiên cứu việc Triều Tiên trong năm 2019 khi thử các loại tên lửa tầm ngắn mới đã phóng theo các quỹ đạo bất thường, có thể đang hướng đến việc vượt qua các mạng lưới phòng thủ tên lửa.
Trước những lo ngại thường trực đó, Nhật Bản đặt vấn đề Triều Tiên làm một trong những ưu tiên quan trọng nhất. Dù vậy, Tokyo khẳng định muốn tìm kiếm bình thường hóa quan hệ với Bình Nhưỡng thông qua việc giải quyết toàn diện các vấn đề, trong đó có chương trình hạt nhân và tên lửa.
Bình luận (0)