Nhận diện chính sách đối ngoại của chính quyền mới tại Anh

05/07/2024 16:14 GMT+7

Công đảng đã giành chiến thắng cuộc bầu cử hạ viện Anh và chính trị gia Keir Starmer sẽ trở thành thủ tướng với những kế hoạch chính sách đối ngoại mới.

Cục diện bầu cử hạ viện Anh ngã ngũ khi 645/650 ghế đã được xác định. Theo tờ The Guardian, Công đảng giành chiến thắng cực lớn với 411 ghế trong khi đảng Bảo thủ của Thủ tướng Rishi Sunak chỉ có 119 ghế. Xếp thứ ba là đảng Tự do Dân chủ với 71 ghế và đảng Dân tộc Scotland (SNP) có 9 ghế. Một số lượng khác thuộc về các đảng nhỏ và ứng viên độc lập.

Nhận diện chính sách đối ngoại của chính quyền mới tại Anh- Ảnh 1.

Ông Keir Starmer phát biểu tại London rạng sáng 5.7

AFP

Với việc giành đa số ghế hạ viện, Công đảng sẽ được quyền lập chính phủ và ông Keir Starmer sẽ trở thành tân thủ tướng. Tuần đầu tiên của ông trên cương vị lãnh đạo sẽ bận rộn khi ông dự kiến đến Mỹ để dự hội nghị thượng đỉnh NATO. Sau đó, ông sẽ về nước để chủ trì hội nghị Cộng đồng Chính trị châu Âu vào ngày 18.7, sự kiện dự kiến có mặt Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Dưới đây là kế hoạch chính sách đối ngoại mà Công đảng đã đề ra trong chương trình hành động trước cuộc bầu cử, theo Reuters.

Tân Thủ tướng cam kết tái thiết nước Anh sau đại thắng bầu cử

Ukraine

Công đảng cam kết duy trì sự ủng hộ quân sự, tài chính, ngoại giao và chính trị dành cho Ukraine trong khi ủng hộ nỗ lực buộc Nga phải chịu trách nhiệm cho cuộc xung đột. Chính phủ mới cũng sẽ làm việc với các đồng minh để tịch thu và chuyển đổi mục đích tài sản nhà nước Nga bị đóng băng để hỗ trợ Ukraine.

Công đảng muốn giúp Ukraine rộng đường được kết nạp làm thành viên NATO. Lãnh đạo chính sách đối ngoại của Công đảng David Lammy, người dự kiến sẽ trở thành ngoại trưởng, tuyên bố sẽ thăm Kyiv ngay trong 100 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ để chứng minh cam kết lâu dài với Ukraine, bắt đầu làm việc về con đường giúp Ukraine tiến tới tư cách thành viên NATO.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chúc mừng ông Keir Starmer sau khi Công đảng giành chiến thắng tại Anh. "Ukraine và Vương quốc Anh đã và sẽ tiếp tục là đồng minh đáng tin cậy bất chấp khó khăn. Chúng ta sẽ tiếp tục bảo vệ và thúc đẩy các giá trị chung về cuộc sống, tự do và một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ", ông Zelensky viết trên mạng xã hội.

Trung Đông

Công đảng cho rằng hòa bình và an ninh lâu dài tại Trung Đông sẽ là tập trung trước mắt. Chính phủ mới sẽ tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức tại Dải Gaza, thả toàn bộ con tin, duy trì luật pháp quốc tế và tăng nhanh viện trợ cho vùng lãnh thổ.

Công đảng cũng cam kết công nhận nhà nước Palestine như một phần của tiến trình hòa bình tiến tới giải pháp hai nhà nước. Đảng miêu tả thành lập nhà nước Palestine là quyền không thể tách rời của người dân Palestine và là điều cốt yếu cho an ninh lâu dài của Israel.

Liên minh châu Âu (EU)

Công đảng cam kết sẽ không đưa nước Anh quay lại EU nhưng muốn thiết lập lại quan hệ với liên minh và dỡ bỏ rào cản không cần thiết về thương mại.

Đảng cũng có kế hoạch tìm kiếm một thỏa thuận an ninh mới giữa Anh và EU nhằm tăng cường hợp tác và tái xây dựng quan hệ với các đồng minh chủ chốt như Pháp và Đức.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chúc mừng ông Starmer và nói rằng Paris mong muốn hợp tác với London về an ninh, công nghệ và khí hậu. "Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Anh về hợp tác song phương, hòa bình và an ninh tại châu Âu, biến đổi khí hậu và AI", ông Macron cho hay.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel gọi chiến thắng của Công đảng là "lịch sử" và bày tỏ mong muốn làm việc với chính phủ mới. "EU và Anh là đối tác quan trọng, hợp tác trong toàn bộ lĩnh vực có lợi ích chung cho công dân của chúng ta", ông Michel nói.

Nhận diện chính sách đối ngoại của chính quyền mới tại Anh- Ảnh 2.

Ông David Lammy, người được dự báo sẽ trở thành tân ngoại trưởng

REUTERS

NATO

Công đảng cho rằng cam kết đối với NATO là không thể lay chuyển. Đảng có kế hoạch làm việc với các đồng minh để xây dựng, tăng cường và cải cách NATO cùng các thể chế đa phương khác như Liên Hiệp Quốc, G7, G20 để giải quyết các thách thức toàn cầu mới.

Mỹ

Công đảng miêu tả Mỹ là đồng minh cần thiết của Anh. Họ cho rằng mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước là điều quan trọng cho an ninh và thịnh vượng, sẽ tiếp tục làm việc với Mỹ trên cơ sở của những giá trị và lợi ích chung.

Trung Quốc

Công đảng tuyên bố sẽ có cách tiếp cận chiến lược và lâu dài để quản lý mối quan hệ với Trung Quốc. Đảng cam kết sẽ hợp tác trong lĩnh vực có thể nhưng cũng sẽ cạnh tranh nếu cần và thách thức nếu bắt buộc.

Đảng sẽ đánh giá toàn diện mối quan hệ song phương để định hình đường hướng chính sách về Trung Quốc.

Thương mại

Công đảng muốn tìm kiếm các thỏa thuận thương mại tự do mới cũng như những thỏa thuận trong các lĩnh vực cụ thể. Đảng này cũng nói sẽ dẫn dắt các cuộc thảo luận quốc tế nhằm hiện đại hóa các quy tắc và thỏa thuận thương mại, thúc đẩy thương mại và hợp tác sâu hơn thông qua Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Công đảng ủng hộ thi hành mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và những nỗ lực quốc tế nhằm đảm bảo các công ty công nghệ đa quốc gia đóng thuế công bằng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.