Kết luận này chính xác và phù hợp với phản ánh của Thanh Niên qua loạt bài điều tra Kinh hoàng “công nghệ” xăng dỏm khởi đăng hồi tháng 1.2012.
Sau khi 4 bộ (Công an, GTVT, Khoa học - Công nghệ và Công thương) công bố 5 nguyên nhân cháy xe, trong đó loại bỏ nguyên nhân về chất lượng xăng dầu, dư luận và nhiều chuyên gia đã bày tỏ quan điểm không đồng tình. Mới đây, nhóm nhà khoa học của Trung tâm nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu (RPTC) và Trường đại học Bách khoa TP.HCM đã chỉ ra 3 nhóm nguyên nhân chính, trong đó có nguyên nhân do việc sử dụng xăng dầu kém chất lượng.
Xăng dễ dàng bị “làm bùa”
Theo nghiên cứu này, việc sử dụng nhiên liệu kém chất lượng như xăng pha methanol, ethanol chất lượng thấp và không đúng kỹ thuật được cho là tác nhân dẫn đến rò rỉ xăng do hệ thống ống dẫn có hiện tượng bị phá hủy hoặc do áp suất hơi cao. Tuy xăng pha không tự cháy nổ khi không có nguồn nhiệt lớn, song là nguyên nhân gián tiếp tăng nguy cơ cháy do khả năng phá hủy hệ thống ống dẫn nhiên liệu, gây rò rỉ xăng. Nguồn xăng rò rỉ tiếp xúc với nguồn nhiệt đủ độ nóng sinh ra từ các nguồn: hoạt động của máy xe, hoặc ma sát của hệ thống hãm, hoặc tia lửa điện phát ra do chập mạch của hệ thống điện trong xe (khi hệ thống bảo vệ cầu chì không còn tác dụng hoặc cầu chì kém chất lượng)... Theo nhận định, đây là những yếu tố tạo nên khả năng gây cháy xe.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, khảo sát cho thấy khối lượng methanol nhập khẩu và tiêu thụ vào VN những năm qua biến động tăng. Cụ thể, năm 2010 là hơn 90.000 tấn và năm 2011 là hơn 80.000 tấn, tăng nhiều so với năm 2008 chỉ khoảng 52.000 tấn và năm 2009 chỉ khoảng 66.000 tấn. Thời gian qua, kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều mẫu xăng có methanol hàm lượng cao. Kết quả nghiên cứu còn lưu ý đến khả năng lợi dụng việc cho phép sử dụng thử nghiệm xăng nhiên liệu sinh học E5 để pha methanol hoặc ethanol chất lượng kém vào. Các thực nghiệm khi cho xe chạy với xăng có chỉ số octane thấp, không đúng yêu cầu kỹ thuật của động cơ hay sử dụng xăng pha methanol và ethanol kém chất lượng, thì nhiệt độ tại các khu vực thùng chứa mũ bảo hiểm, đuôi xe, bộ điện thân xe, môbin sườn, khoang động cơ, trong thùng nhiên liệu... đều tăng trên 10 - 20 độ C so với trường hợp xe chạy bằng xăng đúng tiêu chuẩn.
|
Các nhà khoa học hoàn toàn đồng ý
Là người từng đưa ra giả thiết xăng pha là nguyên nhân gây cháy xe, TS Nguyễn Anh Đức - Viện phó Viện Dầu khí VN -nhận định, ngoài methanol, acetone còn có hàng tá chất khác có thể pha vào xăng nhằm làm tăng lợi nhuận, đồng thời tăng nguy cơ cháy nổ xe. Theo TS Đức, có thể “điểm mặt” các chất có thể pha vào xăng như methanol, ethanol, acetone, methyl acetate, ethyl acetate, condensat, naphtha, ete dầu hỏa… Thậm chí các dung môi pha sơn cũng có thể được pha vào xăng. Việc pha các chất trên vào xăng rất dễ xảy ra bởi bên cạnh lợi nhuận kinh tế, hầu hết các chất này khi pha vào xăng sẽ làm tăng trị số octane của xăng, tương ứng với giá bán có thể tăng. Trong khi đó, giá thành của methanol chỉ bằng khoảng một nửa giá xăng nên khả năng pha vào xăng để hưởng chênh lệch là hoàn toàn có thể xảy ra. Chưa kể, do methanol có trị số octane cao hơn xăng nên nếu chỉ kiểm tra chất lượng xăng tại các cây xăng qua trị số octane, thì xăng pha methanol vẫn đạt tiêu chuẩn. Ngay cả khi kiểm tra chỉ tiêu hàm lượng ô xy, xăng pha dưới 5% thể tích methanol vẫn đạt chuẩn.
Ông Nguyễn Lê Ninh - PGS-TS về động cơ ô tô - cho rằng hiện tượng cháy xảy ra khi hỗn hợp xăng và không khí đủ nồng độ bén lửa. Về mặt lý thuyết, nồng độ hỗn hợp xăng và không khí bén lửa phải đạt từ 6 -18%, tức là trong 100 gr không khí có từ 6 -18 gr xăng. Trong khi đó, nồng độ hỗn hợp cồn (methanol hoặc ethanol) và không khí lại bén lửa đậm hơn nhiều so với xăng. Nếu xe sử dụng loại xăng pha cồn mà hệ thống ống dẫn xăng bị rò rỉ, thì cồn khi bốc hơi có đặc điểm là nặng hơn không khí, sẽ lắng xuống, đọng lại trong không gian nơi để xe. Khi không gian đó không được thông gió (xe để trong nhà, đóng kín cửa), nồng độ cồn trong không khí sẽ đậm đặc hơn. Khi có tia lửa điện, lập tức sẽ bốc cháy. Đó là nguyên nhân có thể giải thích vì sao xe để trong gara bỗng dưng bốc cháy.
Nhưng tia lửa điện ở đâu ra khi xe đã tắt máy? Theo ông Ninh, những xe đời cũ khi tắt công tắc máy thì mạch điện sẽ bị ngắt, còn với những xe đời mới, mạch điện vẫn còn để duy trì hoạt động của các thiết bị điện tử trong xe. Chỉ cần ở đâu đó có hỗn hợp nhiên liệu và không khí đủ nồng độ bén lửa, gặp tia lửa điện "xẹt" ra thì sẽ gây cháy. Nguyên nhân xẹt lửa từ hệ thống điện của xe là do dây điện không đủ tiết diện, lớp vỏ nhựa bị lão hóa, bong tróc. Ngoài ra, trong cốp của một số xe gắn có lớp nỉ có tác dụng giữ nhiệt, nên nhiệt độ trong cốp sẽ rất nóng, trong khi khu vực này có nhiều dây điện bó lại với nhau, có thể làm cho dây điện chảy ra, gây chập điện.
Còn theo một TS lĩnh vực ô tô máy động lực, trên thực tế hoàn toàn có khả năng “phù phép” xăng A83 thành A92 hoặc A95, bằng cách pha methanol hoặc ethanol vào xăng A83 để tăng chỉ số octane. Hậu quả là những chiếc xe đời mới khi đổ phải loại xăng bị “làm bùa” này, động cơ sẽ nóng hơn bình thường, dẫn đến khả năng nóng chảy một số chi tiết, có thể gây chập điện và dẫn đến cháy nếu vùng nhiệt nóng tiếp cận với vật liệu dễ cháy như nhựa, ống dẫn gây điện… Xăng pha methanol hoặc ethanol với hàm lượng cao còn gây lão hóa đường ống dẫn nhiên liệu, gioăng cao su dẫn đến rò rỉ nhiên liệu, tạo ra khả năng cháy nổ khi có nguồn nhiệt cao, đặc biệt khi có chập cháy, tia lửa điện.
Theo TS Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm tư vấn giám định dân sự, riêng đối với dầu DO, việc pha dầu tái sinh chế biến sẽ ảnh hưởng đến độ nhớt của dầu, không chỉ gây ra những hư hại cho nguyên liệu liên quan đến động cơ, mà còn phát sinh hỗn hợp hơi, phát tán hơi dễ dàng, dễ gây ra hiện tượng nổ cháy xe.
Khẩn trương điều tra theo hướng xăng dỏm GS-TS Nguyễn Ngọc Giao - Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM - khẳng định, các cơ quan chức năng không những không thể loại bỏ nguyên nhân về chất lượng xăng dầu mà còn phải lấy đây làm định hướng chính trong quá trình điều tra về các vụ cháy xe thời gian qua. Theo ông Giao, chỉ trong thời gian ngắn đã xảy ra hàng trăm vụ cháy xe, mà trong đó xe bị cháy thuộc tất cả các thương hiệu nổi tiếng, xảy ra rộng khắp cả nước, thì nguyên nhân đầu tiên cần nghĩ đến là do chất lượng nhiên liệu - vốn là điểm chung duy nhất của các phương tiện bị cháy. “Nhất là từ sau loạt điều tra của Báo Thanh Niên về tình trạng tài xế xe bồn pha chế xăng dỏm rồi phân phối ra hàng loạt cây xăng của nhà nước lẫn tư nhân, tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần thẳng thắn nhìn nhận và chấn chỉnh lại chất lượng xăng dầu. Như một vị chuyên gia từng nói là phải chăng người ta đang muốn giấu giếm điều gì đó. Bởi xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, doanh nghiệp nhà nước chiếm thị phần cao và có thể động chạm đến nhiều người. Nếu chúng ta cứ chần chừ, né tránh, không dám nhìn thẳng vào nguyên nhân thực sự, cuối cùng mọi hậu quả người dân phải chịu, mà như các nhà khoa học chúng tôi vẫn hay nói đùa với nhau rằng, bây giờ thì xe ai cháy nấy chịu” - GS Giao bức xúc. |
Lỗi từ hệ thống quản lý “Xăng dầu kém chất lượng, gốc rễ liên quan tới vấn đề quản lý, nếu thực hiện đúng tiêu chuẩn của nhiên liệu xăng dầu sẽ không có vấn đề gì. Nhưng quản lý hệ thống phân phối xăng dầu yếu kém là kẽ hở dẫn tới việc xăng bị pha methanol ở tỷ lệ cao”, ông Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Động cơ đốt trong, ĐH Bách khoa Hà Nội, nói. Dẫn lại việc Bộ Khoa học - Công nghệ phát hiện ra một mẫu xăng tại cây xăng ở Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) chứa hàm lượng 15% methanol, ông Tuấn nêu vấn đề, ngay cây xăng ở Hà Nội cũng đã bị pha trộn như vậy thì các cây xăng khác trên cả nước có thể còn bị pha trộn với tỷ lệ cao hơn. Theo ông Lương Hoàng Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, các điểm thu mua xăng dầu trôi nổi ồ ạt mở ra tại các tuyến giao thông quốc lộ, tỉnh lộ và vùng ven các đô thị lớn, nguồn hàng không chỉ từ hàng nhập lậu mà còn có nguồn từ việc ăn cắp xăng dầu đem bán, và chất lượng tới đâu, có bị pha trộn không, không hề được kiểm soát. Ông Trung cho rằng đây là điểm yếu kém của lực lượng quản lý thị trường nhiều địa phương. Theo quy định của Bộ Công thương, các doanh nghiệp đầu mối phải chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu trong toàn bộ hệ thống phân phối từ nhập khẩu, tồn trữ, vận chuyển đến cửa hàng bán lẻ. Các doanh nghiệp này cũng phải chịu trách nhiệm giám sát các khâu, nhất là vận chuyển từ tổng kho về đại lý và từ các đại lý đến cửa hàng bán lẻ. Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, một đầu mối xăng dầu miền Nam cho rằng, dù quy định là đầu mối phải chịu trách nhiệm nhưng rất khó kiểm soát, bởi ngay từ khâu chở xăng về bồn, đại lý, đã có thể bị pha chế dọc đường. Chưa kể, nếu đầu mối đi kiểm tra từng đại lý, xử lý sai phạm, đại lý có thể tuyên bố ngừng lấy xăng để chuyển sang đầu mối khác, nên quản lý quan trọng nhất vẫn là cơ quan chức năng. “Ở từng phân khúc, nếu nhà nước kiểm tra phát hiện ra sai phạm thì nên có biện pháp răn đe mạnh tay như rút giấy phép kinh doanh”, ông này nói. Tuy nhiên, cũng theo đầu mối này, việc kiểm tra xử lý lại chưa thực chất khi nhiều lực lượng chức năng kiểm tra cho có, thậm chí có dấu hiệu thiếu minh bạch, dẫn tới kết quả kiểm tra không phản ánh hết thực tế. |
>> Kinh hoàng “công nghệ” xăng dỏm
>> Xe khách đâm nhau, một xe bốc cháy
>> Cháy ghe chở xăng dầu
>> Đến lượt xe Honda Civic bốc cháy
>> Chưa thể kết luận cháy xe do xăng dầu kém chất lượng
Phương Thanh - Mai Vọng - Mai Hà
Bình luận (0)