Với việc được đưa vào điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc, tư tưởng Tập Cận Bình sẽ trở thành kim chỉ nam hành động cho nước này trong nhiều thập niên tới.
Tư tưởng Tập Cận Bình là học thuyết chính trị mới được hạt nhân lãnh đạo thế hệ thứ 5 của Trung Quốc đúc kết sau 5 năm cầm quyền. Với tên đầy đủ là “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”, học thuyết này trở thành điểm nhấn quan trọng trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) bế mạc hôm 24.10 vừa qua. Giới chuyên gia đánh giá sự kiện này đã chính thức định vị vai trò của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong lịch sử phát triển của Trung Quốc.
Giấc mơ Trung Quốc
Tư tưởng Tập Cận Bình được đại hội nhấn mạnh là đại diện cho thành tựu mới nhất mà CPC đạt được trong quá trình áp dụng chủ nghĩa Marx vào điều kiện thực tiễn. Giáo sư Hàn Khánh Tường tại Trường Đảng trung ương Trung Quốc bình luận trên tờ Nhân Dân nhật báo rằng tư tưởng này là hiện thân của những ý tưởng mới, tư duy mới và chiến lược mới trong triết lý quản trị của Ban Chấp hành trung ương CPC với Tổng bí thư Tập Cận Bình là hạt nhân. Nội dung của tư tưởng chính là mục tiêu chấn hưng Trung Quốc trên nhiều bình diện. Ngay từ đại hội 18 vào năm 2012, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết thực hiện giấc mơ Trung Quốc với 2 mục tiêu thế kỷ, ứng với 2 dấu mốc 100 năm. Đầu tiên là xây dựng một xã hội khá giả vào năm 2020, tức 1 năm trước sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày thành lập CPC. Hai là phát triển Trung Quốc thành quốc gia xã hội chủ nghĩa (XHCN), hiện đại toàn diện vào năm 2049, đúng dịp tròn 100 năm ngày khai sinh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Để đạt được 2 mục tiêu này, CPC dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư Tập Cận Bình dựa vào chiến lược “Bốn toàn diện” gồm: xây dựng xã hội khá giả toàn diện, cải cách sâu sắc toàn diện, quản lý nhà nước theo pháp luật toàn diện và quản lý đảng nghiêm minh toàn diện, đồng thời thực hiện “5 khái niệm phát triển” về đổi mới, phối hợp, xanh, cởi mở và phát triển chia sẻ. Theo ông Hàn, xây dựng một xã hội thịnh vượng toàn diện là nền tảng chiến lược cho công cuộc hiện đại hóa và chấn hưng Trung Quốc. Còn cải cách sâu sắc toàn diện mang lại động lực mạnh mẽ, luật pháp giúp Trung Quốc có nền pháp trị hiện đại và kỷ luật nghiêm minh góp phần đảm bảo sự lãnh đạo bền vững của đảng. Một nội dung cũng được chú ý trong tư tưởng Tập Cận Bình là Trung Quốc đang chuyển mình từ nước lớn thành cường quốc, trong đó có việc xây dựng quân đội hùng mạnh và hiện đại với mục tiêu trở thành cường quốc quân sự hàng đầu thế giới vào năm 2050.
Mâu thuẫn chủ yếu
Trong báo cáo chính trị tại đại hội, Chủ tịch Tập Cận Bình xác định mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Trung Quốc đã chuyển hóa thành mâu thuẫn giữa nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về một đời sống tốt đẹp với sự phát triển không cân bằng, không đầy đủ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1981, CPC xác định lại mâu thuẫn chủ yếu. Khi đó, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình khẳng định mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Trung Quốc là mâu thuẫn giữa nhu cầu vật chất văn hóa ngày càng cao của nhân dân với nền sản xuất xã hội lạc hậu.
Trong khi đó, TS Nguyễn Thành Trung (Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Đại học KHXH-NV TP.HCM; chuyên nghiên cứu về chính trị Trung Quốc) cho rằng nội hàm “giấc mơ Trung Quốc” của ông Tập Cận Bình chính là đưa nước này trở lại với vị trí “trung tâm thế giới” mà họ từng nắm giữ trong quá khứ. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn trên chính trường quốc tế và sẵn sàng đáp trả khi lợi ích quốc gia bị xâm hại, chứ không còn “giấu mình chờ thời”.
Thời đại mới
Phân tích báo cáo chính trị mà ông Tập Cận Bình đọc trong phiên khai mạc đại hội 19, giới quan sát đặc biệt chú ý đến cụm từ “thời đại mới” được nhà lãnh đạo đề cập tới 36 lần. Theo tờ The New York Times, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã chia lịch sử Trung Quốc từ năm 1949 đến nay thành hai giai đoạn, gồm 3 thập niên kể từ khi Chủ tịch Mao Trạch Đông giải phóng và thống nhất đất nước và 3 thập niên tập trung phát triển kinh tế kể từ thời nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Nếu như ông Mao Trạch Đông là người mang lại độc lập, giúp Trung Quốc “đứng dậy”, ông Đặng Tiểu Bình mang lại sự phát triển, để Trung Quốc “giàu lên” thì ông Tập Cận Bình sẽ là người đưa Trung Quốc “mạnh mẽ trở lại” trong thời đại mới. Như vậy, vị thế và vai trò của Chủ tịch Tập Cận Bình đã được định hình rất rõ trong tiến trình phát triển của đất nước sau đại hội này - chính là thời đại mới thứ 3.
Ngày 25.10, Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 đã ra mắt với thay đổi lớn về nhân sự.
Với việc cái tên Tập Cận Bình được đưa vào điều lệ đảng chỉ sau 5 năm cầm quyền, giờ đây tư tưởng của ông sẽ được truyền bá trong các trường học, giới truyền thông và cơ quan chính quyền. Một khi đã đưa vào điều lệ đảng, tư tưởng Tập Cận Bình sẽ chỉ đạo chính sách và đường lối phát triển toàn diện của đảng và đất nước Trung Quốc trong một thời gian dài, chứ không chỉ dừng lại ở 1 hay 2 nhiệm kỳ. Cụ thể, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện cuộc chiến chống tham nhũng, hay còn được gọi là chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi”, các chính sách cải cách kinh tế sẽ theo hướng chuyển từ tăng trưởng cao sang phát triển chất lượng cao, bền vững và bảo vệ môi trường. Về đối ngoại, Trung Quốc sẽ chú trọng sáng kiến “Vành đai, Con đường” do chính Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng, ưu tiên quản trị toàn cầu, đồng thời nâng cao vị thế “luôn là người bảo vệ trật tự quốc tế”.
Những chính sách này sẽ nhằm thực hiện mục tiêu cụ thể để xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới với 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu từ nay đến năm 2035, hoàn thành xây dựng xã hội khá giả toàn diện, thực hiện cơ bản hiện đại hóa CNXH, và tới năm 2050 đưa Trung Quốc trở thành cường quốc XHCN hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp với tầm ảnh hưởng dẫn đầu thế giới.
Không mới nhưng khác
Trả lời Thanh Niên, TS Nguyễn Thành Trung cho rằng tư tưởng Tập Cận Bình thật ra không phải là khái niệm mới mà là sự tiếp tục những chính sách mà ông đã làm trong nhiệm kỳ đầu của mình. Tuy nhiên, những nội dung đó được đưa ra với quyết tâm và mức độ mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, nội hàm trong tư tưởng Tập Cận Bình cũng là sự kế thừa những người tiền nhiệm. Khái niệm “CNXH đặc sắc Trung Quốc” đã có từ thời Đặng Tiểu Bình khi ông Đặng cố gắng dung hòa giữa việc giảm vai trò kinh tế quốc doanh, thúc đẩy kinh tế tư bản tư nhân, kêu gọi đầu tư nước ngoài và các nguyên tắc căn bản của CNXH theo quan điểm của Marx. Ngoài ra, xây dựng xã hội khá giả đề cập trong tư tưởng Tập Cận Bình cũng là mục tiêu của ông Đặng trước đây. Thêm vào đó, thuyết“Ba đại diện” của ông Giang Trạch Dân đề ra mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, còn “Quan điểm phát triển khoa học” của ông Hồ Cẩm Đào đã đề cập đến các chính sách phát triển bền vững, an sinh xã hội, tăng cường dân chủ, hoàn thiện thể chế và xây dựng xã hội hài hòa.
Tuy nhiên, điều làm cho tư tưởng của ông Tập Cận Bình khác với những người tiền nhiệm là cách ông kiến tạo cho người dân Trung Quốc niềm tin vào một đất nước Trung Quốc vĩ đại, đứng đầu thế giới trong hơn 30 năm tới dưới sự lãnh đạo của CPC. Niềm tin đó chủ yếu được xây dựng từ sự thành công của chiến dịch chống tham nhũng nghiêm ngặt, vốn đã kỷ luật hơn 1 triệu đảng viên trong vòng 5 năm nhiệm kỳ đầu của Chủ tịch Tập. Bằng cách đó, ông Tập đồng thời củng cố vai trò “lãnh đạo hạt nhân” của mình và trở thành một cá nhân lãnh đạo mạnh mẽ, kiên quyết mà Trung Quốc đã thiếu vắng từ thời Đặng Tiểu Bình. Việc tư tưởng Tập Cận Bình được ghi trong điều lệ đảng đã giúp ông thể chế hóa “vũ khí” của mình trong những năm sắp tới.
Bình luận (0)