Nhận hối lộ 110 triệu, cựu đại tá Phùng Anh Lê làm liên lụy bao nhiêu người?

Trần Cường
Trần Cường
08/05/2022 16:53 GMT+7

Chiếm hưởng 110 triệu đồng để thả kẻ cướp, cựu đại tá Phùng Anh Lê khiến 3 thuộc cấp tại Công an Q.Tây Hồ (Hà Nội) bị truy tố; 5 lãnh đạo, cán bộ khác của Công an Q.Tây Hồ bị đề nghị kỷ luật.

Phùng Anh Lê “quay xe” sau khi đút túi 110 triệu đồng

Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, vụ án Nguyễn Hữu Tài (29 tuổi, trú P.Phúc Xá, Q.Ba Đình, Hà Nội) cùng đồng phạm bắt giữ, đánh và cướp tài sản của con nợ được cựu đại tá Phùng Anh Lê (từng là Trưởng công an Q.Tây Hồ, Hà Nội; Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.Hà Nội; Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội) giao cho ông Phạm Quý Hải, Phó trưởng Công an Q.Tây Hồ trực tiếp chỉ đạo giải quyết.

Bị can Phùng Anh Lê, cựu Trưởng công an Q.Tây Hồ, cựu Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.Hà Nội

ANTĐ

Tuy nhiên, sau khi Lê nhận 110 triệu đồng từ ông Phùng Văn Bảy (chú họ của Lê) để giúp Tài được tha về và không bị xử lý hình sự, Lê lại chỉ đạo cấp dưới thả Tài và cho hòa giải với bị hại để không bị xử lý, sau đó nói với ông Hải “anh không cần làm vụ này nữa”.

Cáo trạng thể hiện, ngày 19.9.2016, anh N.C.T (con nợ của Tài) đến Công an P.Yên Phụ (Q.Tây Hồ) trình báo về việc bị nhóm Tài bắt giữ, đánh đập để đòi nợ. Sự việc được Công an P.Yên Phụ vào sổ trực ban năm 2016, sau đó chuyển lên Công an Q.Tây Hồ thụ lý theo thẩm quyền.

Ngày 22.9.2016, Tài đến Công an Q.Tây Hồ đầu thú và bị tạm giữ hình sự 3 ngày. Quyết định tạm giữ do ông Phạm Quý Hải ký, Tài bị đưa vào nhà tạm giữ vào khoảng 21 giờ 10 ngày 22.9.2016.

Tài và đồng phạm hầu tòa

đình trường

Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Lê đã chỉ đạo các thuộc cấp thả Tài sau chưa đầy 3 tiếng bị tạm giữ, sau đó được Công an Q.Tây Hồ tổ chức cho hòa giải với anh T. Vụ việc này khiến Lê bị truy tố về tội “nhận hối lộ”. Các thuộc cấp ở Công an Q.Tây Hồ: Nguyễn Đức Châu, cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (CSHS), Vũ Công Ngọc, cựu Đội phó Đội CSHS và Lê Đình Trung, cựu Đội phó Đội cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (THAHS và HTTP) cùng bị truy tố tội “tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù”.

Lê cũng khiến ông Phạm Quý Hải; ông Lê Sinh Hùng, Phó trưởng Công an Q.Tây Hồ và Nguyễn Quang Huy; Đội trưởng đội THAHS và HTTP Công an Q.Tây Hồ; Phan Tất Hùng, điều tra viên Đội CSĐT tội phạm về TTXH; ông Nguyễn Văn Thuận, cán bộ quản giáo trực nhà tạm giữ Công an Q.Tây Hồ bị đề nghị kỷ luật Đảng và chính quyền vì thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Đối với người thân của Tài và ông Phùng Văn Bảy, ban đầu cơ quan tố tụng nhận định nhóm này có dấu hiệu của tội “đưa hối lộ” và “môi giới hối lộ”. Tuy nhiên, sau khi đánh giá hồ sơ, làm rõ bản chất vụ án, Viện KSND Tối cao không xem xét xử lý hình sự nhóm này.

Những tài liệu nào trong vụ án đã bị xóa?

Theo cáo trạng, biết việc thả Tài là trái quy định, hai bị can Châu và Ngọc đã bàn bạc và phân công ông Phan Tất Hùng làm báo cáo đề xuất giải quyết đơn trình báo của anh N.C.T theo hướng tạm cho Nguyễn Hữu Tài về và giải quyết đơn trình báo của anh T. theo quy định của Thông tư liên tịch số 06, nhằm tiếp tục xác minh làm rõ hành vi vi phạm của Tài và đồng bọn. Sau đó, Châu mang hồ sơ và báo cáo này đề xuất trình, nhưng Lê không duyệt.

Sau đó, Châu tiếp tục đề xuất Lê giải quyết vụ việc theo quy định nhưng Lê vẫn không đồng ý và nói với Châu “việc này để tao bảo nó lên hòa giải, rút đơn”. Sau đó, Tài và bị hại được gặp nhau, hòa giải và nhận bồi thường 15 triệu đồng.

Viện KSND Tối cao khám xét nhà riêng của bị can Lê vào tối 21.9.2021

trần cường

Cáo trạng thể hiện, hồ sơ vụ việc ban đầu được giao Phan Tất Hùng quản lý nhưng không đăng ký thụ lý, không được theo dõi trong hệ thống sổ sách của Công an Q.Tây Hồ. Vụ việc Tài bị tố cáo không được tiếp tục xác minh, giải quyết theo quy định pháp luật. Châu, Ngọc, Trung biết rõ việc tha Tài là trái pháp luật nhưng không báo cáo cấp trên có thẩm quyền và không báo cho Viện KSND Q.Tây Hồ biết để kiểm sát mà đồng phạm với Phùng Anh Lê.

Ngoài ra, kết quả giám định của Phòng giám định Kỹ thuật hình sự (Bộ Quốc phòng) thể hiện sổ trực ban năm 2016 của Công an P.Yên Phụ, một số nội dung trong ngày 19.9.2016 đã bị xóa bằng chất phủ màu trắng.

Nội dung trước khi bị xóa là: “Hồi 19 giờ 45, anh N.C.T đến công an phường trình báo về việc bị một nhóm đối tượng bắt giữ và đánh đập gây thương tích vào hồi 17 giờ 15 cùng ngày tại khu vực cửa khẩu An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ”.

Phòng giám định kỹ thuật hình sự (Bộ Quốc phòng) cũng xác định “sổ theo dõi bắt giữ năm 2016” của Công an Q.Tây Hồ cũng bị phủ xóa một số nội dung.

Nội dung trước khi bị phủ xóa là: “Nguyễn Hữu Tài, 1 tiền sự. Ngày 19.9.2016 tại số 15 đường Hồng Hà, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội, Tài cùng đồng bọn có hành vi bắt giữ anh T., đầu thú”.

Ngoài ra, Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) cũng giám định và xác định thêm nhiều tài liệu liên quan đến vụ án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.