Chuyện rằng, trên đường trở về sau ca làm việc ở Nhà máy viên nén năng lượng Cam Lộ (thuộc Công ty CP Tổng công ty thương mại Quảng Trị - Sepon Group), chị Nguyễn Thị Tuyên (32 tuổi, trú khu phố 4, P.3, TP.Đông Hà) nhặt được chiếc túi trong đó có 7,5 chỉ vàng.
Khổ thân người nữ công nhân nghèo, vì cho rằng đây là tài sản lớn nên chị vừa làm mọi cách tìm người mất để trả lại, vừa lo sợ có nhiều người tham của nhận bừa. Mãi đến khi tìm đúng “khổ chủ”, chị mới thở phào. Đây là số vàng của một người đàn ông 59 tuổi, trú P.1, TP.Đông Hà dành dụm để chuẩn bị đám cưới cho con trai vào cuối tuần và không may đánh rơi...
Chị Tuyên trả lại vàng cho “khổ chủ” |
THANH LỘC |
Trong tấm ảnh “lưu niệm” khoảnh khắc vàng trả về cho chủ nhân chụp ở nhà chị Tuyên, dễ dàng nhận ra đó là gian nhà rất nhỏ, tường chưa được tô trét, lồi lõm gạch vữa. Việc mưu sinh nhọc nhằn hơn với chị Tuyên bởi chị là lao động chính, có chồng ốm đau và 2 đứa con nhỏ. Hoàn cảnh đó càng khiến người ta trân trọng những gì mà chị đã làm: trả lại của rơi.
Ngay sau khi nắm được thông tin, Sepon Group đã cử đoàn lãnh đạo đến tận nhà thăm hỏi và thưởng nóng chị Tuyên 20 triệu đồng. Bởi nói như ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sepon Group, chị Tuyên đã chọn “đặt chữ đức lên đầu”.
Trước đó, vào năm 2006, chị Liên (công nhân Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, thuộc Sepon Group) sau khi nhặt được 10 triệu đồng cũng đã trả cho người mất sau 1 tháng tìm kiếm. Hồi đó, chị Liên được Sepon Group tuyên dương, cho đi học và chuyển từ công nhân đứng máy sang làm văn phòng…
Vậy mới nói, những điều tốt đẹp luôn ở quanh ta. Chỉ là cách chúng ta “ứng xử” với những điều tốt đẹp như thế nào. Làm sao để nhân rộng nó, để “điều tốt đẹp” như một vòng tuần hoàn không bao giờ dứt.
Bình luận (0)