Sau hơn trăm năm phát lộ nền văn hóa có niên đại khoảng 3.000 năm trước, giới khảo cổ, nghiên cứu khẳng định nơi đây là không gian sinh tồn của người Sa Huỳnh cổ...
Dấu xưa
Đầu thế kỷ 20, nhà khảo cổ học người Pháp M.Vinet phát hiện ở khu cồn cát cạnh đầm An Khê có khu mộ chum khoảng 200 chiếc chứa nhiều hiện vật hết sức giá trị. Rồi những đợt khai quật tiếp theo đã phát lộ nền văn hóa Sa Huỳnh với các di chỉ trải dài khắp nhiều vùng miền. Trong đó, có 2 di tích khảo cổ quan trọng nằm trên bờ đầm là Long Thạnh (P.Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ) và Phú Khương (xã Phổ Khánh, TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi). Cuộc sống của người xưa ven đầm An Khê dần hé lộ qua những di vật từ lòng đất.
Hai chiếc thuyền đua đang tranh về đích |
TRANG THY |
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hậu duệ của người Sa Huỳnh cổ là dân tộc Chăm Pa với nền văn minh rực rỡ, những đền tháp vô cùng tráng lệ. Phía đông - nam đầm An Khê có tấm bi ký của người Chăm cổ với 6 hàng chữ khắc trên đá vẫn còn khá rõ nét mặc cho mưa nắng bào mòn theo thời gian. Những dòng chữ mang thông điệp của tiền nhân trên tảng đá to lớn và khá bằng phẳng đến giờ vẫn còn là điều bí ẩn với hậu thế. Cạnh bia đá là giếng Chăm nước trong vắt và ngọt lành dù nằm cạnh biển mặn. Ngược về hướng đầm có xóm nhỏ lưu dấu tích người Chăm Pa: bờ rào đá, mương thủy lợi cổ...
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, người có hàng chục năm nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh, cho biết: Không gian Sa Huỳnh có thể chia thành 2 vùng là vùng lõi và vùng đệm. Vùng lõi là nơi tập trung các điểm di sản văn hóa Sa Huỳnh và hậu Sa Huỳnh gắn liền với cảnh quan sinh thái đầm nước ngọt An Khê cùng đồng muối Sa Huỳnh, cửa biển Sa Huỳnh và cả Biển Đông. Chính cảnh quan sinh thái nhân văn này là điều kiện cần và đủ để hình thành và phát triển liên tục các di sản văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt. Vùng đệm kéo dài giáp tỉnh Bình Định, phía tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ. Đầm An Khê là một trong 6 di sản được xác lập trong hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh trình lên cấp thẩm quyền xem xét, công nhận.
“Đầm An Khê là điều kiện thiên nhiên cơ bản để hình thành nên các di tích văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm Pa, văn hóa Việt xung quanh đầm. Cư dân văn hóa Sa Huỳnh đã định cư xung quanh đầm An Khê trong khoảng 1.000 năm, từ thời kỳ đồng thau cách nay khoảng 3.000 năm đến đầu thế kỷ 1 trước Công nguyên. Đó là các di tích Phú Khương, Long Thạnh và Thạnh Đức. Di tích văn hóa Chăm Pa lưu lại quanh đầm: Tháp Núi Một, tháp Gò Đá, miếu Chăm, bia Vũng Bàn, hệ thống giếng nước Chăm, Cầu Đá, đường cổ thời Chăm Pa ở Sa Huỳnh, hệ thống mương dẫn nước cổ. Văn hóa Việt hình thành xung quanh đầm An Khê như miếu Thành Hoàng, dinh Thủy Long, dinh bà chúa Yàng, lăng thờ cá ông...”, ông Khôi khẳng định.
Mở lại hội vui
Theo nhiều bậc cao niên sinh sống ven đầm, thuở trước, cứ 3 năm thì Đầm trưởng (do dân bầu) và những bô lão cùng dân các làng xung quanh tổ chức lễ hội. Mọi người sắm sửa lễ vật thành kính dâng cúng những bậc tiền nhân có công khai khẩn, bảo vệ xóm làng. Ngoài cúng tế, lễ hội còn có thả hoa đăng, múa lỗ lường và đua thuyền thu hút đông đảo người dân trong vùng dự xem.
Trước hội đua chính thức, các xóm làng đều tổ chức cuộc đua chọn thuyền đoạt giải cao tham dự hội đua chung. Mỗi thuyền 2 người ra sức chèo lái giữa những hồi trống thúc giục liên hồi và tiếng reo hò cổ vũ của đông đảo cư dân trong vùng.
Góc đầm An Khê hoang sơ và thơ mộng |
NGỌC HÀN |
Chớm thu 2022, Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với UBND xã Phổ Khánh tổ chức lễ hội “An Khê sóng hát” làm nức lòng người dân ven đầm. Đông đảo quan khách và người dân tụ tập bên bờ đầm xem múa lân - sư - rồng, những trò chơi dân gian, thưởng thức sản vật ở địa phương, đua thuyền và cảnh thả lưới đánh cá.
16 thuyền chia thành 4 lượt đua tranh hạng nhất, nhì, ba và khuyến khích. Mỗi thuyền gồm 2 người là vợ chồng hay anh em thường ngày cùng nhau chèo thuyền mưu sinh trên mặt đầm. Khán giả đứng chật bên bờ dõi mắt về phía những chiếc thuyền đang lắc lư trên mặt nước. Sau hồi trống lệnh, những mái chèo khỏa nước khiến mặt đầm dậy sóng. Những hồi trống tiếp nối cùng tiếng reo vui bên bờ đầm như giục giã thuyền lướt mau về đích. Phía mũi thuyền gắn lá cờ nhỏ với nền đỏ sao vàng phấp phới tung bay trong gió. Thuyền đi đầu chạm đích giữa tiếng hò reo vang dậy trong nắng vàng trải khắp mặt đầm.
Vợ chồng ông Tướng Văn Minh đã đoạt giải nhất lượt đua đôi nam - nữ. Cậu bé 9 tuổi năm xưa từng chèo thuyền đưa cán bộ cách mạng qua đầm trong đêm vắng cười hể hả: “Vợ chồng tôi tham gia đua thuyền chủ yếu là góp vui với bà con nhưng cũng ráng sức chèo để khỏi phụ lòng mọi người”.
Hàng chục năm rồi người dân ở đây mới tụ họp đông vui như thế. Vậy nên nhiều người tạm gác công việc thường ngày để đến góp mặt. Những người con tha hương cũng trở về thăm gia đình và chia sẻ niềm hân hoan với dân làng. Gương mặt ai nấy rạng ngời, xua đi bao âu lo trong cuộc sống thường ngày.
“Đầm An Khê nằm sát di chỉ văn hóa Sa Huỳnh. Chúng tôi được biết là nhà nước đang có ý định đưa di chỉ văn hóa Sa Huỳnh thành di tích quốc gia đặc biệt. Việc tổ chức lễ hội cũng là dịp bảo tồn, phát huy văn hóa dân gian ở địa phương...”, ông Phạm Kim Hoanh, Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh, cho biết.
Chưa đánh thức tiềm năng
Phía nam TX.Đức Phổ khung cảnh hoang sơ và thơ mộng làm say đắm lòng người. Những bãi biển cong cong tựa mảnh trăng non vàng óng ánh nằm lặng yên mặc cho sóng rì rào tung bọt trắng xóa vỗ vào bờ. Bờ cát vàng đẹp mơ màng như ngư nữ kiêu sa xoãi mình đắm chìm trong giấc mộng ngàn năm. Nước biển xanh trong in hình vầng mây trắng đang lững lờ trôi nhẹ giữa tầng không. Xa xa, thấp thoáng chiếc thuyền nhỏ của ngư dân đánh cá gần bờ nhấp nhô trên sóng nước.
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi trong một lần khai quật di chỉ văn hóa Sa Huỳnh |
TRANG THY |
Bên biển là đầm An Khê sớm chiều bảng lảng khói sương khiến tâm hồn lữ khách như trôi vào miền hư ảo. Nhìn từ trên cao, tuyến đường sắt Bắc - Nam và quốc lộ 1A tựa hai nét vẽ qua cạnh đầm, trườn ra gần biển rộng mênh mông. Nằm cạnh đầm là khu bảo tồn di tích văn hóa Sa Huỳnh với diện tích 20 ha. Tại đây trưng bày hiện vật của người Sa Huỳnh cổ: bình hoa bằng gốm, trang sức bằng đá, vỏ ốc, mộ chum... với niên đại hàng ngàn năm trước. UBND tỉnh Quảng Ngãi đang đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng tuyến đường từ quốc lộ 1A vào khu bảo tồn để phục vụ du khách đến tham quan, tìm hiểu về cuộc sống của người xưa.
Về đây, du khách được nghe những giai thoại ly kỳ về thuở cha ông mang gươm đi mở đất. Những bờ kè đá, giếng Chăm cổ, mái nhà đơn sơ... làm thỏa lòng khách lãng du. Về gò Ma Vương (nơi nhà khảo cổ học người Pháp M.Vinet phát lộ khu mộ chum văn hóa Sa Huỳnh) để nghe tiếng thì thầm của những người đã yên nghỉ từ hàng ngàn năm trước vọng lên từ lòng đất. Những con sóng nào đã đưa thuyền, ghe của họ cập bờ? Những con đường nào từng in dấu chân họ đi qua?
Nghề sản xuất gốm không men nơi đây có từ thời chúa Nguyễn vào mở mang, khai phá đất phương Nam. Người thợ với đôi tay khéo léo chế tác những sản phẩm vô cùng đẹp mắt. Du khách cũng sẽ được trải nghiệm nỗi nhọc nhằn trên ruộng muối cùng diêm dân Sa Huỳnh. Dẫu vất vả nhưng vô cùng thích thú khi cắm cúi trên ruộng muối trắng tinh lấp lóa dưới nắng hè. Người dân nơi đây giàu lòng hiếu khách, đón bạn bè phương xa với nụ cười rạng ngời như nắng mai. Những món ăn chế biến từ cá, tôm, ốc, hến... vừa vớt lên từ đầm An Khê khiến bao người xuýt xoa khen ngợi.
Những tưởng với lợi thế sẵn có, ngành du lịch nơi đây sẽ phát triển, cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương. Tuy nhiên, chưa nhiều du khách đến thưởng ngoạn khung cảnh hoang sơ và thơ mộng, tìm hiểu các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa và Đại Việt trên mảnh đất này.
Rất cần “chiếc đũa thần kỳ” đánh thức tiềm năng đó!
Mưu sinh trên đầm An Khê
Bình luận (0)