Đến H.Cẩm Khê (Phú Thọ) ai cũng dễ dàng được check-in với những cột mốc Trường Sa như ở các đảo Trường Sa trên biển, bởi Cẩm Khê là địa phương có số lượng cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa nhiều nhất cả nước hiện nay. Các công trình được đặt tại khuôn viên các trường tiểu học và trung học cơ sở, nhằm giáo dục tình yêu Tổ quốc và chủ quyền biển đảo cho học sinh.
Theo anh Đinh Xuân Quy, Phó ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Phú Thọ, mô hình “Cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa” được Tỉnh đoàn Phú Thọ phối hợp Huyện đoàn Cẩm Khê triển khai, nhằm đẩy mạnh các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, thể hiện trách nhiệm của thế hệ trong việc giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
“Cột mốc biển đảo Trường Sa” ở H.Cẩm Khê (Phú Thọ) giúp học sinh hình thành tình yêu quê hương đất nước |
Nhật Nam |
Các công trình có chiều cao 4,2 m tổng diện tích 48,2 m2, được thiết kế với dạng những đường tròn đồng tâm hướng về cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa, thể hiện sự đồng lòng, đoàn kết của dân tộc Việt Nam…
Theo chị Đỗ Thu Hường, Bí thư Huyện đoàn Cẩm Khê, từ khi được xây dựng các cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa đã phát huy ý nghĩa giáo dục to lớn, truyền đến học sinh các thế hệ lòng yêu nước và ý thức về chủ quyền biển đảo của đất nước. Cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa còn trở thành nơi sinh hoạt chính trị cho cán bộ, giáo viên và học sinh các nhà trường. Công trình cũng tác động đến toàn diện thế hệ trẻ trên địa bàn huyện. Giờ đây, mỗi học sinh từ cấp tiểu học đến THCS, THPT đều có thể đọc rõ tọa độ đảo Trường Sa của Việt Nam và thấy “Trường Sa không xa đâu”.
Chị Hường cũng cho biết không chỉ giáo dục các em học sinh về kiến thức chủ quyền biển đảo và lý tưởng bảo vệ toàn vẹn Tổ quốc, cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa còn là công trình mở ra nhiều hoạt động hướng về biển đảo của các đơn vị trên toàn huyện. Nhiều hoạt động ngoại khóa như tọa đàm, giao lưu, triển lãm tranh chủ đề biển đảo và bộ đội hải quân... được tổ chức.
Cô Nguyễn Thị Kim Lanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Sông Thao, TT.Cẩm Khê, H.Cẩm Khê, cho biết từ khi cột mốc được xây dựng tại trường, có rất nhiều hoạt động ngoại khóa đã diễn ra tại đây, để giáo dục học sinh về chủ quyền biển đảo và giúp các em nhân lên tình yêu Tổ quốc.
“Các nhóm học sinh lớp 4 - 5 được các thầy cô Tổng phụ trách Đội giới thiệu về cột mốc và ý nghĩa cột mốc biển đảo, để các em tiếp cận lịch sử, địa hình, hiểu về đất liền và biển đảo của Tổ quốc. Đồng thời các thầy cô cũng kể những câu chuyện về các chú bộ đội ở ngoài biển đảo, xa gia đình, ngày đêm canh gác giữ chủ quyền… Sau đó, các em lại làm hướng dẫn viên thuyết minh cho học sinh các lớp 1 - 3. Từ đó, các em lan tỏa tình yêu Tổ quốc”, cô Lanh chia sẻ.
Cô Lanh cũng cho biết nhà trường còn tổ chức cuộc thi vẽ tranh, làm mô hình về cột mốc Trường Sa đặt ở trong lớp, để lúc nào các em cũng thấy cột mốc luôn gần gũi. “Từ ngày có cột mốc, các em thích lắm, lúc ra chơi lại đến tụ tập, vui chơi ở đây. Dù còn nhỏ, có em chưa hiểu được hết về lý tưởng bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhưng các em luôn tự hào. Có em về nhà khoe với ông bà, bố mẹ rằng: Các chú bộ đội ngoài đảo vất vả chỉ để giữ cột mốc này thôi!”, cô Lanh kể.
Bình luận (0)