Trong đó, tính riêng TP.HCM đến năm 2015 cần 100.000 lao động ngành này, phục vụ cho trên 10.000 doanh nghiệp vào thời điểm đó.
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc gặp gỡ của các doanh nghiệp với Hội Tin học TP.HCM, Trung tâm tin học Trường đại học Khoa học tự nhiên (KHTN), Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM (Yes Center) cùng 150 bạn sinh viên đang theo học CNTT hôm 22-9.
|
Rất thiếu trong tương lai
Cần 1 triệu lao động trong thời gian tới, tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Toàn - Công ty Global CyberSoft (VN) JSC, "khả năng đào tạo ngành CNTT toàn quốc chưa đáp ứng được". Ông cho rằng tới năm 2015, trong khi nhu cầu lao động CNTT cần tới trên 550.000 người thì giỏi lắm chỉ đáp ứng được khoảng 400.000 người. "Chắc chắn trong tương lai, nguồn lao động này sẽ thiếu" - ông Toàn khẳng định.
Ông Nguyễn Tri Quang, giám đốc Yes Center, cho biết hiện nay nhân lực trong ngành CNTT được tuyển dụng nhiều là lập trình, thiết kế phần mềm, quản trị phần mềm. Bên cạnh đó, ông Vũ Anh Tuấn - Hội Tin học TP.HCM - nhận định trong thời gian tới lực lượng lao động CNTT bậc trung cũng sẽ cần kíp khi ngành BPO (Business Process Outsourcing - tạm dịch: dịch vụ gia công thuê ngoài) phát triển. "Nhân lực trong ngành BPO chỉ cần qua đào tạo các khóa ngắn hạn ba tháng có thể làm được, phù hợp với người tốt nghiệp THPT hoặc người khuyết tật" - ông Tuấn nói.
|
Với đặc thù là ngành có thể hỗ trợ nhiều ngành nghề khác, CNTT được xem như ngành ngày càng nhiều đất dụng võ trong xu hướng tất cả các ngành đều ứng dụng CNTT.
Chuẩn bị ngay từ trong trường học
Dù vậy, theo một thống kê từ Trung tâm tin học Trường đại học KHTN, 42% sinh viên ngành CNTT thiếu kỹ năng mềm và 70% sinh viên vào làm phải được các doanh nghiệp đào tạo lại. Trong khi theo đề án nguồn nhân lực CNTT đến năm 2020 của Chính phủ yêu cầu 80% nguồn nhân lực phải đạt chuẩn quốc tế. Nhiều sinh viên trong ngành vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc trau dồi kỹ năng mềm bên cạnh kỹ năng chuyên môn.
Bạn Lâm Vĩnh Phúc, sinh viên năm 2 Trường Aptech, bày tỏ: do xác định ngành CNTT chỉ làm việc với máy tính nên không quan tâm đến việc trau dồi kỹ năng giao tiếp hoặc thuyết trình, làm việc nhóm. Đây cũng là điểm chung của nhiều bạn trẻ theo học lĩnh vực này.
Theo ông Vương Bảo Long, giám đốc Công ty LogiGear Corporation, bảy năm nay từ lúc mới thành lập công ty luôn phải đào tạo thêm ít nhất sáu tháng đối với nhân viên mới. "Tỉ lệ tuyển của công ty khoảng 1/10, nhưng người cuối cùng vẫn thiếu rất nhiều kỹ năng để có thể làm việc được, đặc biệt là kỹ năng mềm" - ông Long cho biết.
Bà Lại Thị Hạnh, Trung tâm tin học KHTN, nhấn mạnh ba kỹ năng mềm quan trọng bên cạnh kỹ năng chuyên môn mà một người làm CNTT phải có gồm: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian và căng thẳng. "Mỗi người là một cầu thủ trong đội bóng trong nghề này. Vì vậy bạn cần phối hợp với người khác để hoàn thành dự án đúng hạn. Thêm vào đó khi làm việc với một người kế toán hay bán hàng, bạn cũng cần biết cách nói theo đặc thù của từng người" - bà Hạnh chia sẻ.
Để đáp ứng lao động CNTT thời gian tới, sinh viên cần định hướng và tự chuẩn bị ngay từ khi còn trong trường đại học. Đây là điều quan trọng để nguồn nhân lực CNTT ra trường có thể làm được việc ngay và tránh tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp trong khi doanh nghiệp lại thiếu người làm như hiện nay.
Theo Ngọc Trường / Tuổi Trẻ
>> Kiến nghị ứng dụng công nghệ thông tin trong sinh hoạt Đoàn
>> Học công nghệ thông tin tại Đại học Bách Khoa TP.HCM
>> Cùng Intel “mở cửa” khám phá ứng dụng công nghệ thông tin
>> Techcombank: “Dẫn đầu nhờ công nghệ thông tin”
>> Công nghệ thông tin: Công cụ đắc lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Bình luận (0)