Nhân lực chuyển đổi số chưa đáp ứng 50% nhu cầu

Thu Hằng
Thu Hằng
07/05/2023 07:13 GMT+7

Nhân lực số là khâu quan trọng để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững, giúp thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, hiện tại, mỗi năm VN mới đào tạo được 65.000 người, chưa đáp ứng được 50% nhu cầu.

Để thực hiện chuyển đổi số (CĐS) hiệu quả và bền vững, giúp thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình CĐS quốc gia, theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, rất cần nhân lực số. VN muốn có đủ nhân lực số thì từ nay đến năm 2030, mỗi năm phải đào tạo được khoảng 150.000 nhân lực số từ cao đẳng trở lên. Hiện tại, mỗi năm mới đào tạo được 65.000 người, tức là chưa được 50% nhu cầu.

"Các đại học truyền thống cũng đã tới giới hạn về đào tạo vì thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất. Đại học số là lời giải cho nhân lực số VN. Hàn Quốc đã làm rất tốt đại học số. Đích thân Thủ tướng Ấn Độ đã yêu cầu Ấn Độ nhanh chóng triển khai đại học số. VN nếu chậm sẽ lỡ mất cơ hội. Bộ GD-ĐT sớm chỉ đạo triển khai đại học số ở VN", Bộ trưởng Bộ TT-TT chia sẻ tại cuộc họp của Ủy ban Quốc gia về CĐS cuối tháng 2.2023.

TIẾP TỤC XÂY DỰNG NỀN TẢNG CHUYỂN ĐỔI SỐ

Để giải quyết bài toán nhân lực số, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt đề án "Nâng cao nhận thức, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Trong đề án này, Bộ TT-TT đặt mục tiêu đào tạo 1.000 chuyên gia CĐS trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn để làm lực lượng nòng cốt CĐS trên toàn quốc; 100% các trường đại học số phải hoàn thiện được mô hình tổ chức số, quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở và được đầu tư trang bị đồng bộ hạ tầng, nền tảng công nghệ, trang thiết bị học và thực hành, sẵn sàng tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực CĐS.

Mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu 100% cán bộ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước hằng năm được tham gia tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức về CĐS, kỹ năng số, công nghệ số. 100% cán bộ chuyên trách CĐS, CNTT hằng năm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức về công nghệ số. Đồng thời, đào tạo được hơn 5.000 kỹ sư, cử nhân, thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo CĐS.

Năm 2023, Bộ TT-TT tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai công tác chuẩn bị bồi dưỡng CĐS cho công chức, viên chức, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng và bồi dưỡng kỹ năng số miễn phí cho người dân.

Năm 2023 là năm thứ tư của CĐS VN. Bộ TT-TT xác định năm 2023 là "Năm dữ liệu số quốc gia", nhằm thúc đẩy hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu bộ, ngành, địa phương và khuyến khích hoàn thiện các cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế. Đây cũng là nền tảng cho xây dựng và phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Nhân lực chuyển đổi số chưa đáp ứng 50% nhu cầu - Ảnh 1.

Đầu tháng 4.2023, Bộ TT-TT đã phê duyệt kế hoạch triển khai "Năm dữ liệu số quốc gia". Trong đó, kế hoạch tập trung vào 4 nội dung chính: phát triển dữ liệu mở; phát triển cơ sở dữ liệu; phát triển, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu.

Tại kế hoạch mới ban hành, Bộ TT-TT sẽ triển khai bồi dưỡng, tập huấn toàn quốc về phân tích, xử lý dữ liệu cho các bộ, ngành, địa phương; hội nghị chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm triển khai phân tích, xử lý dữ liệu; công bố bộ sách chuyên ngành chọn lọc về phân tích, xử lý dữ liệu; công bố kế hoạch triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.