Nhận lương hơn 200 triệu, cựu lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm gì?

Nhận lương hơn 200 triệu, cựu lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm gì?

21/09/2024 10:15 GMT+7

Ngày 20.9, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát - Trương Mỹ Lan giai đoạn 2. HĐXX bắt đầu thẩm vấn các bị cáo trong nhóm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Trong giai đoạn 2 của vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan (là cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 33 đồng phạm bị xét xử về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “rửa tiền” và “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Nhận lương hơn 200 triệu, cựu lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm gì?

HĐXX bắt đầu phần xét hỏi các bị cáo trong nhóm tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo cáo trạng, giai đoạn tháng 8.2018, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (tức SCB) trong tình trạng bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra sát sao. Điều này dẫn đến việc xin cấp tín dụng từ SCB của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát gặp khó khăn. Để giải quyết vấn đề, nhất là trong bối cảnh nợ xấu kéo dài, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chủ trương phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Thực hiện “chỉ thị” của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, 4 công ty con là Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông; Công ty Cổ phần đầu tư Sunny World; Công ty Cổ phần đầu tư Quang Thuận và Công ty Cổ phần dịch vụ và thương mại TP.HCM đã phát hành 25 mã trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo. Vì được tạo lập bằng sự gian dối, hệ quả là các công ty mất khả năng chi trả cho người mua trái phiếu, đến nay tổng dư nợ lên tới hơn 30.000 tỉ đồng, của hơn 35.800 bị hại.

Nhận lương hơn 200 triệu, cựu lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm gì?- Ảnh 1.

Bị cáo Hồ Bửu Phương

ẢNH: THẢO NHÂN

Là người được xét hỏi đầu tiên, bị cáo Hồ Bửu Phương (là cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần chứng khoán Tân Việt , tức TVSI; kiêm Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng.

Bị cáo Phương khai có tham gia vào các cuộc họp để quyết định chủ trương phát hành trái phiếu của 3 công ty, gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông (gọi tắt là Công ty An Đông), Công ty Cổ phần đầu tư Quang Thuận (gọi tắt là Công ty là Quang Thuận) và Công ty Cổ phần đầu tư - phát triển Sunny World (tức Công ty Sunny World). Trước khi phát hành trái phiếu thì đều được Hội đồng quản trị của các công ty này ra nghị quyết thông qua.

Cáo trạng xác định Hồ Bửu Phương tham gia họp bàn về chủ trương phát hành trái phiếu, được giao làm đầu mối yêu cầu bộ phận kế toán các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chuẩn bị hồ sơ pháp lý, báo cáo tài chính. Đồng thời lên phương án giải quỹ làm căn cứ để các công ty chuyển tiền và chỉ đạo các bị cáo khác phối hợp với Công ty chứng khoán Tân Việt để phát hành trái phiếu.

Bị cáo Phương được xác định là đồng phạm giúp sức tích cực cho bị cáo Trương Mỹ Lan phát hành trái phiếu của các công ty: An Đông, Quang Thuận, Sunny World để chiếm đoạt hơn 27.900 tỉ đồng của hơn 33.300 bị hại.

Tại tòa, bị cáo Hồ Bửu Phương thừa nhận hành vi phạm tội mô tả theo cáo trạng là đúng. Bị cáo khai chủ trương phát hành trái phiếu là theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan thông qua một cuộc họp, và bị cáo phối hợp các công ty đủ điều kiện phát hành trái phiếu để thực hiện.

Khi được chủ tọa hỏi về lý do chọn các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua trái phiếu do TVSI phát hành, bị cáo Phương cho hay: “Để phát hành trái phiếu thành công thì phải có bên mua sơ cấp thành công, còn hồ sơ phát hành ra mà không có ai mua là không thành công”.

Công bố cáo trạng giai đoạn 2, Trương Mỹ Lan 'tội chồng tội'

Cũng theo lời khai của bị cáo Hồ Bửu Phương, khi bên mua trái phiếu sơ cấp, bị cáo yêu cầu phải có dòng tiền thật, nhưng thực tế có dòng tiền thật hay không bị cáo không nắm và thừa nhận "các gói trái phiếu này trên hồ sơ không có tài sản đảm bảo".

Bị cáo Hồ Bửu Phương cho biết bản thân nhận mức lương tháng lên tới 230 triệu đồng nên chỉ muốn sử dụng kiến thức, chuyên môn để phục vụ xứng đáng với mức lương nhận được, không ngờ nhiều người dân mua trái phiếu và thiệt hại lớn như vậy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.