Họa sĩ Lê Huy đã có cuộc trao đổi ngắn với Thanh Niên về ý tưởng làm tác phẩm Nhàn Ngưu độc đáo này.
*Từ đâu anh có ý tưởng làm Nhàn Ngưu? Và mất bao nhiêu lâu để biến ý tưởng thành hiện thực?
- Họa sĩ Lê Huy: Tôi ấp ủ ý tưởng thực hiện tác phẩm Nhàn Ngưu từ rất lâu (ngay từ 30.1.2020, tức mùng 6 tết Canh Tý) và phải mất khoảng 300 ngày để biến nó thành hiện thực. Đây là dự án thường niên của tôi, các năm trước tôi đã có Dê Cát Tường, Chuột Quả Gấc, Ngựa Hoa Mai... Tôi không nghĩ đến trâu mà nghĩ đến cái mõ đầu tiên. Tôi luôn thích tiếp cận theo cách đảo chiều như vậy, với cái mõ to còn con trâu thì nhỏ. Cái mõ, một thứ phát ra âm thanh lộc cộc để biết cả đàn ở đâu, để những con trâu trong đàn đi theo con đầu đàn, thậm chí để phân biệt đàn trâu nhà này và trâu nhà khác. Nhà nào càng nhiều âm thanh của thứ lộc cộc ấy thì “cơ nghiệp” càng lớn. Bản thân tạo hình chiếc mõ, nó đã rất giống một con trâu rồi. Cách điệu một chút, sẽ thành một mái đình có hai đầu vút cong.
|
* Nhàn Ngưu không chỉ đơn giản là hình tượng trâu và mõ trâu, mà dường như còn ẩn chứa nhiều giá trị hơn thế. Anh có thể chia sẻ kỹ hơn không?
- Trâu hạt mít được làm gần như không có phác thảo, đó là những ngày tôi bị quá tải bởi liên tục phải xoay sở công việc, áp lực tài chính, những ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19. Tôi cứ lẩm bẩm nghĩ, những lúc mệt mỏi hay vất vả, con người ta chỉ cần ngủ một giấc thật thoải mái, thật say nồng. Cũng chẳng cần phải lớn lao, khí thế, hùng dũng, rực rỡ... làm gì. Vì cuối cùng, mọi người đều tự tìm kiếm cho mình một chữ Nhàn thôi! Thế nên đặt tên đứa bé bằng hạt mít là Nhàn Ngưu như lời chúc năm mới Tân Sửu thật an nhàn, yên bình và thảnh thơi. Một con trâu nhỏ như hạt mít, như hạt mầm với cái đầu, sừng giống chồi non đang nhú. Đặt trên mái đình với mong cầu gieo hạt, sinh sôi, nảy nở cho mùa vụ mới, cho năm mới, hy vọng mới đầy tràn bội thu, như ý. Trâu, mõ, đình làng, trồng cấy... luôn là những hình ảnh đẹp của dân gian, là biểu tượng của văn minh lúa nước.
|
Tôi muốn làm trâu hạt mít có màu vàng, thậm chí bằng vàng... vì tôi nghĩ đến hạt giống quý, một hạt giống quý cho mùa vụ mới. Nên nó được làm bằng đồng, bạc và vàng.
Hoa văn trên thân mõ được chuyển thể từ hệ thống đồ án hoa cúc dây, trên bệ đá tượng A-di-đà chùa Phật Tích (một pho tượng đá đỉnh cao thời Lý, được xem là một trong những pho tượng cổ nhất Việt Nam còn đến ngày nay). Dải hoa văn dây kéo dài liên tục kết hợp giữa hoa cúc và hoa mẫu đơn. Với những vòng tròn đổi chiều liên tiếp nhau, thể hiện cho luân hồi, là cuộc sống luôn vận động.
Tôi chọn hoa cúc làm trung tâm trên thân mõ. Cúc là loài hoa luôn được ca ngợi và quý mến, được coi là một trong “tứ quân tử” bởi phẩm chất thanh tao, chính trực. Cúc đại đóa với nhiều lớp cánh xếp chồng mang ý nghĩa xum vầy, hội tụ, đoàn viên ngày tết. Hoa cúc luôn được yêu thích, tượng trưng cho phẩm chất thanh cao và kiên trinh vì chịu đựng và vượt qua giá lạnh mà rực rỡ bung nở. Vượt qua nghịch cảnh mà mang đến niềm tin, niềm hy vọng tươi sáng về một khởi đầu năm mới thịnh vượng và an khang. Hoa cúc rất phù hợp để trở thành một hình ảnh tượng trưng cho thời điểm dịch bệnh, bão lũ, thiên tai.. qua hình ảnh hoa cúc để gửi gắm tinh thần vượt qua khó khăn, chịu đựng gian khổ để có tương lai tươi sáng hơn.
|
Ngoài hoa cúc, lý do đặc biệt để tôi dùng hệ thống hoa văn này đưa vào hình Mõ là những người tí hon. “Những thiên thần nhỏ bé” đang leo trèo, đùa nghịch trên những cành hoa bé xíu. Trong rất nhiều giả thuyết, nhiều câu chuyện ly kỳ về hình tượng này, dân gian có kể chuyện rằng, những người tí hon là hiện thân của ông bà tổ tiên, vào những ngày lễ tết, được Ngọc Hoàng cho phép trở về với hạ giới, dương gian để ngắm nhìn con cháu, thầm thì chúc phúc nhưng chỉ bé như con sâu, cái kiến, phút chốc rồi lại trở về.
Ngoài ra tác phẩm còn tặng kèm bộ Thập Mục Ngưu Đồ gồm 10 bức tranh được đặt tên và có thơ đề trên từng tranh, gồm: Tìm trâu, Thấy dấu, Thấy trâu, Được trâu, Chăn trâu, Cưỡi trâu về nhà, Quên trâu còn người, Cùng quên, Trở về cội nguồn, Thõng tay vào chợ. Những bức tranh dạy Đạo ví Tâm như con trâu, còn người học đạo ví như người chăn trâu. Muốn chăn trâu thì phải tìm được trâu, bắt nó, thuần phục nó, rồi chăn dạy dỗ nó bằng roi gậy, rồi thong dong cưỡi về nhà, rồi quên mất nó khi nó đã thuần thục, rồi quên hết mọi thứ để trở về với cội nguồn rồi thênh thang thõng tay vào chợ như lan tỏa đức hạnh, tâm sáng trong đời sống hằng ngày.
|
* Anh muốn gửi gắm những gì qua hình tượng Nhàn Ngưu?
- Qua toàn bộ hình tượng, ấn phẩm, cách thực hiện, tôi ấp ủ muốn gửi gắm tinh thần dân gian trong những sản phẩm hiện đại, “đi đến cùng của truyền thống, sẽ bắt gặp hiện đại”. Tôi luôn muốn đưa hoa văn, hình tượng, mang ý nghĩa của truyền thống, dân gian để có thể lưu giữ được những giá trị cổ truyền của ông cha. Những vật liệu sử dụng đều từ làng quê, từ những làng nghề truyền thống, dùng những thiết kế, sáng tạo của những thiết kế trẻ kết hợp với thủ công truyền thống để làm nên tổng thể sản phẩm.
Nhàn Ngưu là một ước vọng cá nhân, nhưng cũng là mong cầu cho mọi người bình an, thảnh thơi, vượt qua khó khăn, dịch bệnh để có những ngày mới tươi sáng hơn. Tôi mong muốn mang văn hóa truyền thống tiếp cận được nhiều người hơn để cùng trân trọng, gìn giữ những giá trị truyền thống.
* Xin cám ơn họa sĩ Lê Huy với những chia sẻ về Nhàn Ngưu. Chúc anh cùng gia đình một Tết Tân Sửu ấm áp, hạnh phúc!
Bình luận (0)