Nhan nhản 'dị tượng', 'thiên tượng' vô căn cứ sau bão Yagi

Nhan nhản 'dị tượng', 'thiên tượng' vô căn cứ sau bão Yagi

30/09/2024 06:03 GMT+7

Mới đây, một số tài khoản mạng xã hội chia sẻ các hiện tượng được cho là 'dị tượng', 'thiên tượng' kèm theo là những thông tin mang tính mê tín khiến người xem hoang mang. Thực hư thế nào?

Trước, trong và sau cơn bão Yagi lịch sử, nhiều hiện tượng trên bầu trời được chụp lại và chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Đó có thể là những khoảnh khắc đẹp của thiên nhiên gợi nên những liên tưởng thú vị, nhưng cũng có những hiện tượng được một số tài khoản gắn mác là "thiên tượng", "dị tượng" lan truyền những thông tin mê tín, xuyên tạc, không có cơ sở khoa học khiến dư luận bức xúc.

Mạng xã hội tràn ngập 'dị tượng', 'thiên tượng' sau bão lũ

Mới đây, hình ảnh một vệt đen trên bầu trời Tây Ninh, được chia sẻ trên mạng xã hội và liên tưởng giống con rồng, đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem và bình luận. Nhiều người cho rằng đây là một hiện tượng lạ, thậm chí là "thiên tượng" dự báo những điều không lành sắp xảy ra.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, cựu chủ nhiệm CLB Thiên văn Nghiệp dư TP.HCM, cho biết vệt đen mà một số người liên tưởng tới con rồng thực chất không phải là vết đen mặt trời, và rất có thể những bức ảnh này đã qua chỉnh sửa.

Nhan nhản 'dị tượng', 'thiên tượng' vô căn cứ sau bão Yagi- Ảnh 1.

Nhiều trang mạng đăng tải những điềm báo về tai họa có thể xảy ra khi xem hiện tượng thời tiết

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Hồi giữa tháng 9, hình ảnh luồng sáng mặt trời chiếu xuyên qua đám mây xuống bức tượng Bồ Tát Quán Thế Âm tại một ngôi chùa ở Đà Nẵng cũng được dân mạng chia sẻ khắp nơi.

Vầng sáng chiếu xuyên đám mây xuống tượng Bồ Tát Quán Thế Âm có đặc biệt?

Tuy nhiên, đám mây này cũng được một số trang mạng sử dụng để tuyên truyền những thông tin mê tín dị đoan, cho rằng đây là "điềm xấu", "điềm dữ". Ông Vũ Thế Hoàng, Hội Thiên văn Hà Nội (HAS) cho biết những đám mây đỏ rực được chia sẻ nói trên là khoảnh khắc của tự nhiên, không phải hiện tượng lạ.

Nhan nhản 'dị tượng', 'thiên tượng' vô căn cứ sau bão Yagi- Ảnh 2.

Khoảnh khắc một luồng sáng mặt trời chiếu xuyên qua đám mây xuống bức tượng Bồ Tát Quán Thế Âm tại một ngôi chùa ở Đà Nẵng được nhiều người liên tưởng tới điềm lành

ẢNH: ĐỖ HỮU TUẤN

Ngày 20.9 mới đây, hình ảnh và clip về đám mây đỏ rực trên bầu trời Sa Pa (Lào Cai) được chia sẻ "chóng mặt" trên mạng xã hội. Hình thù đám mây được nhiều người liên tưởng tới hình ảnh chim phượng hoàng tung cánh, như một hình ảnh của tự nhiên.

Nhan nhản 'dị tượng', 'thiên tượng' vô căn cứ sau bão Yagi- Ảnh 3.

Đám mây đỏ rực trên bầu trời Sa Pa cũng được một số tài khoản lợi dụng tuyên truyền mê tín dị đoan

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Giải mã đám mây đỏ rực ở Lào Cai khiến dân mạng xôn xao

Trước đó, hình ảnh về những đám mây có hình như "sóng thần" xuất hiện ở khu vực Bình Dương, kế đến là Tây Ninh cũng được dân mạng lan tỏa, kèm theo lo lắng. Một số trang mạng chia sẻ hình ảnh các đám mây trên, nói rằng đó là "điểm báo về tai họa sắp đến".

Tuy nhiên nói về đám mây như sóng thần xuất hiện ở Bình Dương đầu tháng 9, ThS. Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn cho biết những đám mây có hình dạng này là mây giông (mây vũ tích). Loại mây này có nhiều hình dạng, trong những hình ảnh được chia sẻ là một dạng rất mạnh với hình phễu và chuẩn bị xoáy lại. Chân mây thấp, dạng dày đặc và cách mặt đất chỉ khoảng vài trăm mét.

Hình ảnh cho thấy đám mây đang trong quá trình hình thành lốc xoáy hoặc vòi rồng nhưng chưa kịp phát triển. Vòi rồng quét vài chục km có thể cuốn theo xe máy trên đường, cây cối… gây nguy hiểm cho con người. Chuyên gia cho biết, loại mây này phát triển khi gió mùa tây nam mạnh, đi kèm là giông mạnh, sét, lốc xoáy.

Như vậy, đó cũng là hiện tượng thời tiết có thể lý giải bằng khoa học, hoàn toàn không phải dị tượng hay điểm báo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.