Theo nghị quyết này, tòa án được phép tổ chức phiên tòa trực tuyến xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính đảm bảo các yếu tố, gồm: có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.
Sau gần một năm thực hiện theo nghị quyết, tòa án tại các tỉnh, huyện trên cả nước đã tổ chức xét xử trực tuyến. Tại TP.HCM, thống kê của TAND TP.HCM cho thấy, TAND hai cấp TP.HCM đã tổ chức 339 phiên xét xử trực tuyến. Trong đó, TAND H.Bình Chánh dẫn đầu cả nước khi xét xử 99 phiên tòa hình sự trực tuyến và được TAND tối cao trao bằng khen.
Nhận thấy ưu điểm của các phiên tòa trực tuyến, cũng tại TP.HCM, TAND Q.Bình Tân đã chủ động phối hợp với UBND Q.Bình Tân chi 3,3 tỉ đồng để lắp đặt cơ sở vật chất, trang thiết bị theo đúng chuẩn của TAND tối cao ban hành. Sau khi được nghiệm thu, đơn vị sẽ tăng cường xét xử trực tuyến, tăng cường giải quyết án.
Phiên tòa trực tuyến là phương thức xét xử mới với nhiều ưu điểm. Có thể kể đến như: tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực trong việc trích xuất bị cáo từ nhà tạm giữ, trại giam đến xét xử tại tòa án; người tham gia tố tụng có thể tham dự phiên tòa ở điểm cầu gần nơi cư trú…
Trên thế giới, các nước Mỹ, Singapore, Trung Quốc… đã áp dụng mô hình xét xử trực tuyến. Tại Việt Nam, mô hình xét xử trực tuyến còn khá mới và đang dần hoàn thiện. Trong đợt đại dịch Covid-19 kéo dài gần 3 năm, để phục vụ công tác xét xử, tránh làm ảnh hưởng quyền lợi của công dân, các phiên tòa trực tuyến đã được tổ chức và đã chứng minh được một số ưu điểm như kể trên.
Về lâu dài, xét xử trực tuyến là nhu cầu và xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp. Từ tổng kết của một tòa án cấp huyện tại TP.HCM cho thấy cần tăng cường công tác xét xử trực tuyến trên cả nước.
Bình luận (0)