Vụ bà Michiko Yoshii - nàng thơ Nhật Bản của Trịnh Công Sơn - yêu cầu ê-kíp phim Em và Trịnh xin lỗi vì khai thác đời tư không xin phép có thể là chuyện “xưa nay hiếm” trong làng điện ảnh Việt. Tuy nhiên ở kinh đô điện ảnh Hollywood thì nhân vật “bị” thể hiện trên phim kiện tụng nhà sản xuất phim là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Vũ nữ thoát y do Jennifer Lopez thủ diễn dọa kiện
Rất nhiều phim Hollywood “dựa trên một câu chuyện có thật” - câu mở đầu mang lại sức nặng cho những câu chuyện nhất định trên phim. Trường hợp của những vũ nữ thoát y ngoài đời thực trong Hustlers là ví dụ điển hình của việc không hỏi ý họ.
Jennifer Lopez (phải) và Constance Wu trong phim Hustlers (2019) |
imdb |
Samantha Barbash - nhân vật vũ nữ thoát y truyền cảm hứng cho diễn xuất của Jennifer Lopez qua vai Ramona Vega trong phim Hustlers - đã dọa kiện nhà phân phối STX Films, cho rằng bộ phim vi phạm đời tư của cô. Samantha cũng tuyên bố rằng ban đầu cô từ chối lời đề nghị mua bản quyền câu chuyện của nhà sản xuất vì số tiền được đưa ra quá thấp, thấp hơn giá của chiếc túi Hermes.
Vấn đề chính ở đây là khái niệm “quyền riêng tư”, thứ mà các hãng phim Hollywood thường có được trước khi thực hiện bất kỳ dạng phim tiểu sử nào. Vụ án “Hustlers” đặt ra một câu hỏi lớn cho bất kỳ ai muốn chuyển thể những câu chuyện có thật: khi nào thì Hollywood cần sự đồng ý của một chủ thể để làm phim? Câu trả lời đơn giản, đúng luật: hầu như không bao giờ!
Luật sư John L.Geiger, người đã viết vô số thỏa thuận về quyền lợi cho khách hàng liên quan đến điện ảnh và truyền hình cho biết: “Quy tắc chung là kịch bản đầu tiên sẽ kiểm soát các tác phẩm hư cấu tường thuật về cuộc đời nhân vật. Khái niệm về quyền riêng tư thực sự là thứ cần thiết vì không ai có quyền sở hữu các sự kiện tạo nên câu chuyện về cuộc đời của họ”.
Kịch tác gia có thể tự do sử dụng bất kỳ sự kiện nào đã được biết đến công khai về một sự kiện hoặc con người. Thường thì nguyên đơn sẽ phải chứng minh hành vi phỉ báng của đoàn phim về cuộc đời họ để chiến thắng trước tòa. Luật sư Geiger nhận định trên tờ trang IndieWire: “Trừ khi nhà làm phim cố tình làm sai lệch với mục đích gây hại thì rất khó để tìm ra trách nhiệm pháp lý”.
Jennifer Lopez vai vũ nữ thoát y Ramona Vega trong phim Hustlers (2019) |
imdb |
Những vũ nữ thoát y ngoài đời thực được nói đến trong phim Hustlers, có cả Samantha Barbash và những người khác tham gia vào bài báo nổi tiếng trên tờ New Yorker xuất bản năm 2015 của phóng viên Jessica Pressler, được STX Films chọn làm cơ sở cho kịch bản. Nhưng trong thị trường nghệ thuật và kinh doanh cạnh tranh như Hollywood, mọi thứ không bao giờ hoàn toàn trắng đen và tầm quan trọng của quyền riêng tư đã bị loại bỏ trong nhiều phim.
Đối với một nhà văn hay kịch tác gia thì quyền riêng tư là một lợi thế cạnh tranh lớn khi cố gắng đưa cuộc đời một ngôi sao vào sách hay phim. Khi có sự tham gia của một công ty sản xuất, studio hoặc nhà phân phối lớn thì họ thường yêu cầu mua lại quyền riêng tư đó. Công ty không chỉ muốn có lợi thế cạnh tranh, trong trường hợp ai đó muốn làm phim về điều tương tự mà còn vì muốn đưa ra biện pháp được pháp luật bảo vệ khi đụng đến quyền riêng tư.
Giáo sư Howard Suber của UCLA Film & TV nhận định: “Toàn ngành công nghiệp điện ảnh không ngừng vướng vào các vụ kiện. Trên thực tế, tôi nghĩ câu nói sau đây là đúng: bất kỳ bộ phim nào tạo ra số tiền bán vé đáng kể sẽ bị ai đó kiện vì điều gì đó”.
Geiger nói thêm: “Cốt lõi của một thỏa thuận về quyền riêng tư là sự đồng ý cấp quyền truy cập vào tài liệu, thông tin được phép sử dụng theo hợp đồng và cam kết không quay lại kiện tụng bất cứ điều gì. Tôi sẽ không kiện bạn vì bất kỳ sơ suất riêng tư nào. Và đó là loại yêu cầu thiết yếu mà một công ty sản xuất và nhà phân phối phim sẽ yêu cầu trước khi họ thực hiện dự án”.
Phần trở nên phức tạp nhất - theo các thuật ngữ về đạo đức, nghệ thuật và pháp lý - không phải là cuộc tranh luận về các sự kiện xung quanh đối tượng, mà là đi sâu vào cuộc sống riêng tư của họ. Geiger cho rằng: “Nếu bạn đang thực hiện một bộ phim tiểu sử, chắc chắn bạn sẽ phải đối mặt với mọi chuyện. Nhân vật có thể bất ngờ thay đổi ý định và chúng ta cần biết ‘những con quỷ bên trong họ’ đang thay đổi dẫn đến kiện tụng”.
Ở tuổi 101, Olivia de Havilland từng kiện Hollywood
Olivia de Havilland (1916-2020) từng chống lại kênh FX và Ryan Murphy Productions về vai diễn của bà do Catherine Zeta-Jones thể hiện trong series phim Feud: Bette and Joan phát sóng năm 2017, theo The New York Times.
Nữ diễn viên Olivia de Havilland (1916-2020) |
THE NEW YORK TIMES |
Nữ diễn viên Olivia de Havilland kiện những người sản xuất bộ phim truyền hình chiếu kênh FX trong đó gọi bà là “kẻ buôn chuyện vặt”. Phía bị kiện là kênh truyền hình FX và nhà sản xuất Ryan Murphy Productions. Nội dung bị kiện nằm trong bộ phim truyền hình 8 tập Feud: Bette and Joan đi sâu vào việc tìm hiểu sự thù địch sâu sắc giữa hai huyền thoại màn ảnh Hollywood: Joan Crawford và Bette Davis.
Trong đơn kiện được gửi lên Toà tối cao Los Angeles, Olivia de Havilland tố cáo bộ phim tác hại xấu đến uy tín bà và hạ thấp phẩm hạnh của phụ nữ.
Olivia de Havilland nhận 2 tượng vàng Oscar |
THE NEW YORK TIMES |
Luật sư của bà Olivia de Havilland ở Los Angeles là Suzelle Smith đã sắp xếp một phiên hỏi và trả lời qua email trước ngày ra tòa. Smith hiện sống tại Paris tuyên bố với tờ The Los Angeles Times: “Bộ phim truyền hình của FX đã bịa ra những câu nói hoàn toàn khác với tính cách của thân chủ tôi trong 80 năm sự nghiệp, đặc biệt là bà không thích báo chí chú ý và rất ghét buôn chuyện về các diễn viên khác. Nhóm làm phim cũng không hề tham khảo ý kiến của thân chủ tôi về nội dung phim”.
Olivia de Havilland nổi tiếng qua vai Melanie Hamilton Wilkes trong phim Gone With the Wind (Cuốn theo chiều gió), nhận 2 giải Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc qua phim To Each His Own (1946) và The Heiress (1949). Bà đệ đơn kiện vào cuối tháng 6.2017, một ngày trước khi bước sang tuổi 101, ngay lúc series Feud: Bette and Joan được phát sóng nhận sự hoan nghênh rộng rãi của giới phê bình. Chỉ vài tuần sau Nữ hoàng Anh Elizabeth II ban tặng cho bà tước hiệu Dame vì những cống hiến của bà cho nghệ thuật điện ảnh.
“Khi Feud: Bette and Joan lần đầu tiên được công chiếu, tôi rất muốn xem nó sẽ miêu tả như thế nào về người bạn thân yêu của tôi là Bette Davis. Sau đó, bạn bè và gia đình bắt đầu liên lạc với tôi, thông báo rằng danh tính của tôi thực sự được đưa lên phim. Không ai từ hãng Fox liên hệ với tôi về điều này để xin phép tôi, yêu cầu sự xuất hiện tên tôi trong phim hoặc để xem tôi cảm thấy thế nào về kịch bản. Sau đó, khi tôi biết rằng nhân vật Olivia de Havilland gọi em gái mình Joan Fontaine là ‘đồ chó đẻ’ và đồn thổi về mối quan hệ cá nhân riêng tư của Bette Davis và Joan Crawford, tôi thấy mình bị xúc phạm nặng nề”, bà de Havilland viết trong một email.
Gia đình Gucci chỉ trích phim House of Gucci có Lady Gaga đóng chính
Những người thừa kế của Aldo Gucci nói họ phiền lòng khi phim House of Gucci do Ridley Scott đạo diễn ra rạp tháng 11.2021 đầy bịa đặt, xúc phạm “ông vua thời trang” Gucci.
Tờ Variety ngày 29.11.2021 đưa tin gia đình Gucci xác nhận: “Đoàn phim không hỏi ý kiến những người thừa kế trước khi mô tả Aldo Gucci (Al Pacino đóng) và các thành viên dòng họ Gucci như những kẻ tội phạm, kiêu ngạo và thiếu tinh tế với thế giới xung quanh. Bộ phim thiếu nhân văn và xúc phạm tới di sản của thương hiệu thời trang”.
Lady Gaga (vai Patrizia Reggiani) trong phim House of Gucci |
imdb |
Gia đình Gucci chỉ trích phim không đúng thực tế. Ê-kíp cố xây dựng hình ảnh nhân vật Patrizia Reggiani (Lady Gaga đóng) - từng bị kết tội thuê người giết hại Maurizio Gucci (Adam Driver) năm 1998 - là nạn nhân trong xã hội trọng nam khinh nữ.
Gia đình khẳng định Gucci là công ty đa dạng và bình đẳng, từng bổ nhiệm nhiều phụ nữ vào các chức vụ cao từ thập niên 1980. Trong thông cáo gửi báo chí, gia đình Gucci cho biết sẽ tiến hành các hoạt động pháp lý cần thiết để bảo vệ danh dự công ty.
Bình luận (0)