Nhân sự ngành du lịch: Chưa được đào tạo đúng mức

01/06/2012 13:50 GMT+7

(TNO) Mặc dù đang trong tình trạng yếu và thiếu, nhưng việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

(TNO) Tại buổi góp ý cho dự thảo Luật Du lịch diễn ra ngày 1.6 ở TP.HCM, ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Công ty dã ngoại Lửa Việt - cho rằng nguồn nhân lực dành cho ngành du lịch hiện tại vẫn chưa được quan tâm đúng mức bất chấp thực tế đang ở trong tình trạng yếu và thiếu.


Hướng dẫn viên là một trong những khâu yếu nhất của ngành du lịch hiện tại

Từ kinh nghiệm của một người làm du lịch đồng thời đang tham gia giảng dạy tại một số trường có đào tạo về du lịch, ông Mỹ cho biết hiện nay hầu như trường nào thuộc lĩnh vực khoa học xã hội cũng có khoa du lịch nhưng chưa có một trường nào đào tạo bài bản. Do đó, sinh viên ra trường không thể làm việc ngay được mà buộc doanh nghiệp phải đào tạo thêm. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng thuê thẻ hướng dẫn viên du lịch nở rộ, khó kiểm soát.

Ông Mỹ bức xúc cho rằng do Luật Du lịch hiện tại còn nhiều điều khoản lỏng lẻo nên có tình trạng nhiều doanh nghiệp trong ngành “ăn cắp” thương hiệu của nhau. Ông lấy dẫn chứng thương hiệu Lửa Việt. Hiện tại, thương hiệu này do Công ty dã ngoại Lửa Việt của ông sở hữu. Nhưng ngoài ra còn có một số thương hiệu "núp bóng" khác...

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Trấn, Tổng giám đốc Công ty liên doanh du lịch APEX cho biết thêm, do không được đào tạo qua các trường lớp bài bản nên ngay cả đội ngũ hướng dẫn viên sử dụng ngoại ngữ thông dụng thì kinh nghiệm và kỹ năng du lịch vẫn còn khá nhiều hạn chế.

Ngoài ra, theo một số lãnh đạo doanh nghiệp khách sạn tại TP.HCM, hiện hầu hết các khách sạn cao cấp đều gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên đã qua đào tạo một cách bài bản, giỏi ngoại ngữ. Do đó, các sinh viên chuyên ngành du lịch khi được nhận vào làm việc tại các khách sạn cũng đều phải qua các khóa huấn luyện, hoặc các lớp đào tạo ngắn hạn.

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, cho biết hiện những quy định liên quan đến du lịch đã không còn phù hợp và đang tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, những kiến nghị lần này sẽ được bổ sung để hoàn thiện Luật Du lịch chặt chẽ hơn.

Luật Du lịch 2005, chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2006, đang được áp dụng trong ngành đến nay đã nảy sinh nhiều bất cập trong thực hiện.

Hiện nay, Tổng cục Du lịch Việt Nam đang tiến hành ghi nhận các ý kiến góp ý sửa đổi Luật Du lịch, thời hạn nhận góp ý đến tháng 6.2012.

Các chuyên gia, tổ chức quản lí trong ngành, doanh nghiệp và người dân trong vùng có địa điểm du lịch sẽ được hỏi ý kiến và có quyền gửi góp ý.

Đây là một trong những nội dung quan trọng của “Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg.

Bài, ảnh: Trung Hiếu

>> Giảm 30% giá du lịch: Thách đố doanh nghiệp?
>> Tìm lời giải cho “nỗi buồn di tích”
>> Nỗi buồn di tích - Kỳ 2: Đừng để thành “nhà kho” của lịch sử
>> Ngoại ngữ 'hiếm' hút giới trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.