Bên cạnh tiềm năng về kinh tế và khoa học, cuộc cách mạng công nghệ lượng tử đang tạo ra làn sóng cạnh tranh rất lớn trong lĩnh vực an ninh quốc gia. Theo Asia Times, công nghệ lượng tử đang cách mạng hóa cách thức thu thập, lưu trữ, chia sẻ và phân tích thông tin, từ đó hứa hẹn bước đột phá trong công nghệ vũ khí, thông tin liên lạc, cảm biến và điện toán - những lĩnh vực có thể thay đổi cán cân sức mạnh quân sự thế giới trong tương lai.
Công nghệ lượng tử được cho là có thể phát hiện tàu ngầm ẩn dưới lòng biển hàng trăm mét. Trong ảnh: Tàu ngầm hạt nhân USS Alaska (SSBN-732) của Mỹ |
Reuters |
Cuộc so kè Mỹ - Trung
Những năm gần đây, Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc đều đã đặt ra hàng loạt chương trình nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ lượng tử để đón đầu xu thế. Cuộc đua ngày càng nóng dần với Mỹ và Trung Quốc là hai nước đang ra sức cạnh tranh vị thế thống trị.
Theo Asia Times, năm 2015, Mỹ chi khoảng 500 triệu USD vào công nghệ lượng tử, cao nhất vào thời điểm đó. Tới năm 2021, số tiền đầu tư tăng lên hơn 2 tỉ USD. Trung Quốc cùng thời điểm đầu tư vào công nghệ này đã tăng nhanh chóng từ mức 300 triệu USD lên 13 tỉ USD.
Chính phủ Mỹ đã thiết lập mô hình 3 trụ cột trong nghiên cứu lượng tử của nước này, đầu tư liên bang được phân chia giữa các cơ quan dân sự, quốc phòng và tình báo. Chính sách coi trọng nghiên cứu công nghệ lượng tử được lãnh đạo Mỹ nhiều lần nhấn mạnh. Trong khi đó, chương trình lượng tử quốc gia của Trung Quốc (được giữ bí mật cho đến năm 2020) nêu rõ công nghệ lượng tử là ưu tiên hàng đầu, cùng với 6 lĩnh vực khoa học và công nghệ quan trọng khác, theo South China Morning Post. Thông tin chi tiết về các chương trình an ninh lượng tử của Trung Quốc không được công khai nhưng quân đội được cho là đang hỗ trợ các nghiên cứu lượng tử.
Bên cạnh tự phát triển và nghiên cứu, các nước cũng đang đẩy mạnh những thỏa thuận hợp tác về lượng tử. Cụ thể, Mỹ hợp tác riêng với Nhật và tích hợp thỏa thuận hợp tác lượng tử vào các liên minh như NATO, bộ tứ kim cương (Mỹ - Ấn - Nhật - Úc) hay mới nhất là cơ chế hợp tác an ninh AUKUS (Mỹ - Anh - Úc).
Tháng 9.2021, các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố phát triển radar lượng tử có thể phát hiện máy bay tàng hình bằng cách tạo ra một cơn bão điện từ nhỏ. Trước đó vài năm, Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc công bố nghiên cứu phát triển một máy dò tàu ngầm lượng tử sử dụng các cảm biến có độ nhạy cao gọi là thiết bị giao thoa lượng tử siêu dẫn (SQUID), có khả năng phát hiện tàu ngầm từ khoảng cách xa hàng cây số. Mặc dù còn nhiều tranh cãi nhưng các nhà phân tích đều cho rằng nếu những công nghệ trên thực sự hoạt động và được Trung Quốc ứng dụng trên thực tế, cán cân quân sự giữa các cường quốc sẽ thay đổi đáng kể.
Về vị thế hiện tại, Mỹ và Trung Quốc đang so kè nhau. Theo tờ Nikkei Asia dẫn báo cáo của Công ty phân tích dữ liệu Valuenex (Nhật) năm 2021, Trung Quốc có 3.000 bằng sáng chế liên quan đến công nghệ lượng tử, gấp đôi Mỹ. Trung Quốc được đánh giá là đang thắng thế trong truyền thông lượng tử. Tuy nhiên, về điện toán lượng tử, bao gồm cả phần cứng máy tính lượng tử và các công nghệ phần mềm thì Mỹ vẫn đi đầu.
Một nghiên cứu của Trường Harvard Kennedy công bố tháng 12.2021 đánh giá Trung Quốc đang bắt kịp Mỹ và trong một số trường hợp đã vượt Mỹ. Nghiên cứu cũng chỉ rõ chiến lược và sự đầu tư lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực này đã được đẩy mạnh thế nào trong những năm gần đây.
Lợi thế tương lai sẽ rất lớn
Theo Asia Times, 3 lĩnh vực chính của công nghệ lượng tử là điện toán, truyền thông và cảm biến lượng tử. Những tiến bộ trong điện toán lượng tử có thể dẫn đến một bước nhảy vọt trong trí tuệ nhân tạo và máy học (machine learning), từ đó giúp cải thiện hiệu suất của các hệ thống vũ khí tự động sát thương. Bên cạnh đó, nó cũng sẽ giúp việc phân tích các tập dữ liệu lớn được sử dụng trong tình báo quốc phòng và an ninh mạng trở nên dễ dàng hơn. Trong khi đó, hệ thống truyền thông lượng tử có thể được an toàn và không thể bị bẻ khóa. Đây là yếu tố giúp bảo mật thông tin, đặc biệt là thông tin nhạy cảm đối với an ninh quốc gia như tình báo và quân sự.
Nói về ứng dụng hiện hữu hơn, cảm biến lượng tử đang tạo ra những lợi thế trong lĩnh vực quân sự rõ ràng hơn trong tương lai gần. Theo đó, các hệ thống cảm biến lượng tử mới cung cấp khả năng phát hiện và đo lường môi trường vật chất nhạy hơn, giúp phát hiện các khí tài tàng hình. Nhà vật lý học Phan Kiến Vĩ, người được coi là “cha đẻ của lượng tử Trung Quốc”, cho rằng ứng dụng cảm biến lượng tử có thể phát hiện tàu ngầm ẩn hàng trăm mét dưới đại dương, hoặc các thiết bị dẫn đường có thể hoạt động độc lập trong nhiều tháng mà không cần tín hiệu GPS, theo South China Morning Post.
Những ứng dụng của công nghệ lượng tử trong tương lai như vậy được cho là sẽ giúp giành lợi thế lớn trong việc phát triển các khả năng vô hiệu hóa nhiều công nghệ quân sự tấn công và phòng thủ của đối phương.
Bình luận (0)