Đầu tiên phải kể đến việc chuẩn bị từ các ủy ban và Ủy ban Thường vụ QH. Các báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến QH được thực hiện công phu, chất lượng.
Báo cáo thực hiện lời hứa của các bộ trưởng không được làm thường xuyên nhưng đã tạo ra ý thức giám sát của cá nhân các đại biểu (ĐB) QH. Và có lẽ chính ý thức về việc thực hiện quyền năng tối cao của các ĐB QH chuyên nghiệp, là điều quan trọng, tạo ra bản sắc, chất lượng của các phiên chất vấn.
Phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng có màu sắc là bởi có những ĐB theo dõi sát vấn đề, tái chất vấn, truy trách nhiệm như bà Lê Thị Nga hỏi về quản lý, điều hành giá xăng dầu. Trước những truy vấn sắc sảo, bằng chứng thuyết phục, Bộ trưởng Tài chính phải thừa nhận: Nghị định 84 loanh quanh, luẩn quẩn quá lâu là trách nhiệm của bộ này. Hay như Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận 72.000 cử nhân thất nghiệp “có trách nhiệm của ngành, do thời gian dài đã chú trọng quy mô mà chưa đảm bảo chất lượng, các ngành đào tạo lại chưa gắn liền với thực tế sản xuất”.
Việc QH các kỳ gần đây dành thời gian cho các ĐB tái chất vấn về các vấn đề cũ như quản lý giá xăng dầu, nợ công, chạy chức, cải cách giáo dục hay phòng chống tham nhũng cũng là cách hiệu quả để gây áp lực lên các cơ quan hành pháp. Nhưng việc thực hiện các lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành sự thực là chưa đáp ứng yêu cầu, mong đợi của cử tri. Bởi lẽ các phiên chất vấn vẫn chưa thoát khỏi hình thức của những cuộc hỏi đáp. Nó vẫn thiếu không khí tranh luận, và quan trọng là QH không có công cụ để biểu thị mức độ thỏa mãn của QH đối với các câu trả lời. Thỏa mãn thì QH tiếp tục nghị trình, không thỏa mãn thì QH phải đặt vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm.
Chúng ta chưa có cơ chế ràng buộc các bộ trưởng đã “hứa” rồi thì phải làm, ngoài việc thống kê lại lời hứa đó. Hoặc các ĐB khi thấy bộ trưởng “thừa nhận trách nhiệm” là coi như xong. Trong khi, lẽ ra, nếu coi việc thất bại trong điều hành giá xăng dầu suốt 3 năm qua là “vấn đề của quản lý”, ĐB Lê Thị Nga hoàn toàn có quyền yêu cầu QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với Bộ trưởng Tài chính.
Đừng chỉ hài lòng với việc các vị bộ trưởng hứa, cử tri mong QH tạo điều kiện cho ĐB đi đến tận cùng trách nhiệm. Việc giám sát lời hứa cũng cần được thực hiện một cách quyết liệt, nghiêm túc hơn, biến nó thành những chính sách cụ thể, tạo ra chuyển biến trên thực tế, để chúng ta không còn phải nói mãi về những khuyết điểm cũ.
An Nguyên
>> Lần đầu tiên Tỉnh ủy Quảng Ngãi tiến hành phiên chất vấn
>> Bộ trưởng sẽ không còn đọc văn bản tại phiên chất vấn
>> Hàng loạt vấn đề nóng trước phiên chất vấn
Bình luận (0)