1. Nhà văn Nguyễn Hương Duyên - Hội viên Hội Nhà văn VN đã xuất bản các tập truyện ngắn: Bến đợi nhọc nhằn (2006), Ở giữa những người đàn ông (năm 2015), Hai chị em (2020), Viết tặng anh từ căn bếp này (2020). Khoảng cách thời gian giữa những tác phẩm cho thấy dường như bước đường sáng tác của Nguyễn Hương Duyên có những “khoảng lặng” để lùi lại nghe ngóng, trải nghiệm.
Người đàn bà khi mới ở thềm cuộc đời thường thụ động, nhút nhát; ngay cả tình yêu, tình dục, họ luôn chờ đợi nhưng nhẫn nhịn. Cái tên truyện ngắn Viết tặng anh từ căn bếp này đại diện cho cả tập cho thấy khát khao đàn bà. Trong truyện ngắn này, nhân vật xuất hiện với danh xưng “em” đã có hai mặt con. Chắc “em” cũng ngót nghét tuổi bốn mươi, như chính tác giả.
|
Thế giới đàn bà trong những tác phẩm của các nhà văn Nguyễn Hương Duyên đều “chín”, đến độ “đổ ải”. Họ khát khao hơn yêu lần đầu “Anh như hơi thở của em. Thiếu anh lúc nào, em cảm giác không thở được lúc ấy”; “Em thèm một ánh mắt đắm đuối của anh thay vì ánh mắt trìu mến của người anh dành cho em gái. Em thèm một nụ hôn, một vòng tay siết chặt từ tay anh biết bao” (Viết tặng anh từ căn bếp này).
Giống như “em” ở truyện Viết tặng anh từ căn bếp này, “tôi” trong Mong manh ký ức cũng không thể nào chịu được khi chồng “quên” cả vợ. Khi ấy, những “mong manh” xuất hiện: “Không hiểu sao khi thầm so sánh giữa tôi và Vân, ý nghĩ ấy đã theo tôi vào luôn giấc mơ. Đó là giấc mơ ân ái. Chính giấc mơ ấy khiến tinh thần tôi xáo trộn. Tôi nghĩ đến Thọ nhiều hơn, những khát khao thầm kín, mơ hồ trỗi dậy đầy tội lỗi”.
Đàn ông thật lơ ngơ, ích kỷ và đáng trách. Ngay truyện ngắn đầu tiên Viết tặng anh từ căn bếp này, họ đã không hiểu được mùi khét từ những lần quá lửa khi vợ làm thức ăn là do đâu? Đàn bà đến tuổi 40, con ruồi bay qua đã biết con đực con cái rồi, nên không “dở hơi” đâu. Tất cả đều có nguyên nhân. Người chồng của “em” say nắng tình ái, có người khác ngoài hôn nhân.
Không ai không có mối tình đầu, rất nhiều tổ ấm đâu phải kết quả của mối tình đầu? Người phụ nữ cũng thế, nhưng họ biết gói ghém, cất kỹ vì những giá trị hiện tại. Thứ họ cần là tình yêu duy nhất trong hiện tại chứ không phải thứ nhất, thứ nhì của quá vãng. Vì sao, trong Mong manh ký ức, nhân vật “tôi” có những “giấc mơ ân ái” với Thọ - mối tình đầu nhưng mất nhau vì tự ái? Vũ - chồng cô sa đà, buông thả với nhậu nhẹt, đêm nào về cũng sặc sụa hơi men. Điệp khúc giận dỗi dẫn đến chiến tranh lạnh và trơ lì về cảm xúc, dẫu có nằm cạnh nhau, cũng không còn ham muốn. “Từ lâu chuyện đó đối với tôi chỉ còn là nghĩa vụ. Khi nửa đêm về sáng, khi men bia trong người Vũ đã nhạt. Là lúc anh cần đến tôi”. Vũ gần như bỏ mặc vợ với những giông bão âm thầm và đẩy vợ vào tâm bão khi tìm đến người yêu cũ.
2. Đọc Viết tặng anh từ căn bếp này, chợt nhớ câu: Hạnh phúc bò như ốc như sên, nỗi buồn đến như điên như dại; và câu ngạn ngữ “Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”. 12 truyện ngắn trong tập là 12 lát cắt, Nguyễn Hương Duyên đã “bổ dọc” từng tổ ấm để độc giả hiểu và lý giải được rằng, không phải “tổ” nào cũng ấm. Dẫu xã hội đã phát triển, những giá trị phổ quát về bình đẳng giới đã được truyền thông và tiếp cận. Tuy nhiên, tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, thích con trai để nối dõi tông đường vẫn còn hiện hữu.
Hiên - người vợ trong Đường xa vạn dặm còn hạnh phúc hơn vô khối người phụ nữ thuộc “thế giới IVF” mà chị đã gặp khi đi cấy phôi. Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận. Một lần say rượu, chồng Hiên khóc “Tao có lỗi với tổ tiên, khi tao chết tao dám nhìn mặt ai dưới đấy”. “Hiên khát con còn hơn bất cứ người mẹ nào trên thế gian”. Vì thế mà Hiên, quên cả thứ mình đáng được hưởng, cam chịu, nhẫn nhịn bên cạnh người chồng cả đời không nói được câu nào tử tế. Thậm chí, lúc Hiên “vượt cạn” một mình cũng chỉ có mẹ đẻ bên cạnh, chồng Hiên uống rượu say mèm.
“Phải tối muộn chồng Hiên mới mò đến bệnh viện, mùi rượu, mùi thuốc lá ám vào quần áo...”, khi hôn má con vẫn nựng nịu điều ao ước “Con gái ba chóng lớn để mẹ lại đẻ em cu cho ba nhỉ?”. Có lẽ vì thế mà con đường tìm kiếm con trai của Hiên trở thành “đường xa vạn dặm” chăng?
Điều gì khiến Hiên, Hương - người phụ nữ đã có 6 đứa con gái giờ vẫn mong con trai mà cô đã gặp tại bệnh viện phiêu lưu như vậy? Ngoài tâm lý chung của xã hội, chắc chắn do tâm lý riêng, đó là chính mình chưa vượt lên được chính mình, vẫn tự trói mình trong tâm lý “trọng nam khinh nữ”. Con đường giải phóng phụ nữ, bình đẳng giới còn gặp nhiều rào cản.
Mỗi nhân vật nữ trong 12 truyện ngắn hiện lên với những hoàn cảnh, số phận khác nhau (bị bạo hành, bị phản bội, bị coi thường, bị gièm pha…). Khác với Hiên trong Đường xa vạn dặm, nhiều nhân vật không nguôi khát vọng tìm bản ngã. Trên trang sách của Nguyễn Hương Duyên, phụ nữ đã và đang tiếp cận các giá trị hiện đại, dõng dạc cất lên tiếng nói, tự thuật về cuộc đời mình và phán xét lại thế giới đàn ông bằng bản lĩnh và quyết đoán của mình.
3. Viết tặng anh từ căn bếp này (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) là tập truyện ngắn đáng đọc. Là nhà văn đang độ chín, Nguyễn Hương Duyên biết quan sát, lắng nghe cuộc sống nên trong truyện ngắn của chị ngồn ngộn ngôn ngữ thời công nghệ 4.0 và những bi kịch gia đình có “khuôn mặt” công nghệ. Nhân vật “nàng” trong David là có thật! dù được hư cấu nhưng bước ra từ những vụ lừa đảo tình, tiền mà ngành công an đã điều tra, phá án thời gian qua.
12 truyện ngắn, không lặp lại nhau về hoàn cảnh, nút gỡ. Nguyễn Hương Duyên tỏ ra khá chắc tay khi “lấn” vào đề tài giam giữ và cải tạo phạm nhân. “Lâm sầu” trong truyện ngắn Biển hồ đầy vơi là nạn nhân của một gia đình bất hạnh. Đông con, thiếu ăn, thiếu học, bố mẹ thường xuyên cãi vã, nát rượu, bạo lực. Sinh ra trong gia đình như vậy, không chỉ Lâm sầu mà bất kể đứa trẻ nào cũng khó có thể trở thành con ngoan. Con đường Lâm trở thành kẻ phạm tội được báo trước... Và, sau khi mãn hạn tù, Lâm sầu có một kết cục có hậu, có nghề nghiệp, có vợ vốn là một phạm nhân nữ gặp nhau trong trại cải tạo - đó cũng là kết quả của tình người, của cứu rỗi và nhân văn.
Viết tặng anh từ căn bếp này - tên sách gợi khát vọng đàn bà trong gia đình, nhưng Nguyễn Hương Duyên đã thoát ra được mô típ thông thường khi lý giải về đời sống gia đình. Nhiều nhân vật đã dám tìm chính mình khi mong chờ cạn kiệt. Nhà văn đã phơi bản ngã của họ một cách chủ động trong một xã hội đã hình thành các giá trị hiện đại. Và, từ đó “Nguyễn Hương Duyên khẳng định nhân vị của thực thể cá nhân”, như nhận xét của nhà phê bình văn học Hoàng Thụy Anh, trong một xã hội các giá trị văn minh đã và đang được xác lập nhưng hàng ngày vẫn phải kiên trì đấu tranh với tâm lý cũ kỹ, coi vợ là người hầu, ô sin... không khó nhận diện.
Bình luận (0)