Như Thanh Niên đã thông tin, ông N.N.H. (Đà Nẵng) làm thủ tục đổi giấy phép lái xe (GPLX) trực tuyến cấp độ 4 từ tháng 4, nhưng sau gần 1 tháng hệ thống báo vẫn đang "dự thảo". Ông H. gọi đường dây nóng không gặp được tổng đài viên, còn bị trừ 150.000 đồng cước điện thoại.
Trả lời về vấn đề này, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện người lái (Cục Đường bộ), cho biết việc cấp đổi GPLX trên Cổng dịch vụ công phụ thuộc rất nhiều yếu tố, gồm: phần mềm, hệ thống dữ liệu của y tế, dữ liệu vi phạm của bên CSGT, thanh toán qua ngân hàng. "Tất cả đồng bộ thì mới thành công được, nhưng hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người dân. Thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan nâng cấp hệ thống, điều chỉnh dữ liệu của các bên y tế, CSGT, ngân hàng thì mới hoàn thiện được", ông Thống nói.
Cũng theo đại diện Cục Đường bộ, số lượng đổi GPLX trên Cổng dịch vụ công quốc gia chỉ một phần, chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của người dân. Về cơ bản, việc cấp đổi GPLX chủ yếu tại các Sở GTVT địa phương. Người dân có thể đến trung tâm hành chính công các tỉnh.
Lý giải về việc vì sao người dân phản ánh lên đường dây nóng của Cục Đường bộ nhưng không gặp được tổng đài viên, ông Thống cho biết tổng đài có rất nhiều nhánh. Trong đó, chỉ có nhánh số 7 là đổi GPLX, nhưng nếu tổng đài viên đang nghe cuộc gọi khác rồi thì người dân sẽ không gặp được. Ông Thống cũng cho rằng để thuận tiện, người dân nên đổi GPLX tại các Sở GTVT địa phương, hoặc khi đăng ký cấp đổi GPLX trực tuyến, phần đơn vị thực hiện nên chọn là Sở GTVT các địa phương.
Tránh gây phiền phức
Phản hồi thông tin trên, nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên cho rằng việc này gây nhiều phiền toái cho người dân lẫn bộ máy. "Tôi cũng đăng ký trực tuyến đây, đã nhận hồ sơ thành công rồi, mấy ngày sau lại báo không hợp lệ, không giải thích lý do không hợp lệ chỗ nào để điều chỉnh lại. Cần nhanh chóng khắc phục để bắt kịp thời đại công nghệ số", BĐ Khanh Khoa viết.
Cùng quan điểm, BĐ Van Tung ý kiến: "Chúng ta đã triển khai thực hiện đại trà thì cần nhanh chóng hoàn thiện, tránh gây phiền phức. Hơn nữa, chương trình cần viết làm sao cho người dân dễ sử dụng nhất có thể".
Còn BĐ Quang Nhật viết: "Thực hiện bằng hình thức trực tuyến là nhằm thuận tiện hơn cho người dân nhưng thực tế thì lại phức tạp. Nếu không cải thiện thì chủ trương chuyến đổi số từ bên trên sẽ không phát huy nhiều tác dụng".
"Câu trả lời của đại diện bên Cục Đường bộ là chưa thuyết phục. Trước đây tôi chỉ mất một buổi sáng đến Sở GTVT làm hồ sơ, chụp ảnh, nộp phí là xong. Bây giờ cả hệ thống hành chính công yêu cầu làm online để thuận tiện cho người dân thì lại chưa đồng bộ các bên. Nếu chưa đồng bộ được thì chưa nên triển khai sử dụng, giống như con đường ấy, chưa xong các hạng mục thì không đưa vào cho xe chạy", BĐ Anh Tuan góp ý.
Cần khẩn trương khắc phục
BĐ Anh Tú kiến nghị các cơ quan liên quan cần nhanh chóng khắc phục vướng mắc trong việc cấp, đổi GPLX trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân. "Đây là phương thức xử lý công việc vừa thuận tiện cho người dân, cán bộ nhà nước, vừa tiết kiệm công sức, tiền bạc, thời gian cho xã hội, tại sao không sớm khắc phục và đẩy nhanh. Điều này phù hợp với chính sách chung của nhà nước là khuyến khích và đề nghị người dân thực hiện các thủ tục hành chính công trực tuyến", BĐ này ý kiến thêm.
Tương tự, BĐ Duc Nguyen góp ý: "Chủ trương lớn đơn giản hóa thủ tục hành chính, làm cấp đổi trực tuyến rõ ràng tiết kiệm. Mong cơ quan chức năng sớm khắc phục vướng mắc liên quan đến dịch vụ công trực tuyến này".
"Đẩy mạnh VNeID, tích hợp lên đó thì sẽ xong. Mục đích cuối cùng cũng là công nhận công dân đủ năng lực lái xe, cần gì phải làm phức tạp cho cả người dân và quản lý nhà nước", BĐ Đức Nghĩa viết.
Bình luận (0)