Ngay tại cuộc hội thảo do Hội Nhà văn tổ chức ngày 8.8, nhà thơ Hữu Việt đã nhận xét: “Với người làm thơ, những giây phút xuất thần viết ra những câu thơ như có bề trên điều khiển không phải quá hiếm. Khi người ta tập trung cao độ vào việc gì đó trong một thời gian dài thì giới hạn giữa vô thức và nhận thức có thể bị xóa nhòa và xảy ra hiện tượng “nhập thần””.
|
Giải thích về chuyện làm thơ, ông Thuận cho biết trước năm 1997 ông chưa bao giờ làm thơ và cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm thơ, nhưng duyên nghiệp thơ ca đã đến với ông khi lần đầu tới thăm Yên Tử và như một sự hối thúc bên trong rất khó lý giải. Ông Thuận khẳng định, trong 3 đêm ở Yên Tử ông viết 63 bài thơ, còn chỉ trong một đêm ở cố đô Hoa Lư, ông viết 121 bài thơ trong vòng 4 giờ (240 phút). Vậy là mỗi bài thơ, ông sáng tác chỉ trong vòng 2 phút.
Có nhà văn nhận xét: chuyện này nghe như bịa đặt, bởi chỉ trong 2 phút không chắc ông ấy đã chép xong một bài thơ, chứ chưa nói tới việc người làm thơ phải “lao tâm khổ tứ” tìm lời, chọn ý.
Bình luận về thơ của ông Thuận, nhà thơ Trần Trương (Tạp chí Thơ) cho rằng: “Tác giả bảo trong 4 giờ của một đêm, hình như có “tiền nhân” nhập vào hồn nên ông viết liền 121 bài thơ theo thể tứ tuyệt Đường luật. Tôi nghe xong thấy kinh hãi, và tự hỏi: đây là một thiên tài hay một người tâm thần vì ông đã quyết định gửi tập thơ Thi vân Yên Tử đi dự giải Nobel thế giới”.
|
Trái ngược với nhận định trên của ông Trần Trương, khi đề cập tới bài thơ Am xưa của Hoàng Quang Thuận: “Sớm cưỡi mây chơi cùng non biếc/Đêm về bến nghỉ lót trăng nằm/Tiếng sáo thiền ca vui bất tận/Ngập tràn Yên Tử trăng trong trăng”, nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét: đây là bài thơ tiêu biểu cho hai bút pháp thiêng liêng hóa và đời thường hóa, nhân vật trong bài thơ này phải là người tu đắc đạo mới lấy trăng thay cho giường chiếu mà không sợ phàm tục, nhìn thấy trong trăng còn nhiều trăng nữa, tức là qua một vật mà nhìn thấy cái vô biên của vạn giới. “Thực ra trong văn học, số lượng không nói lên điều gì nhưng một người đến thăm và làm hơn 100 bài thơ về Yên Tử, có nghĩa tác giả đã đến, sống và hòa mình vào cảnh sắc, vào các giá trị của dân tộc. Anh đến Yên Tử, làm thơ không phải để so tài với ai mà chỉ làm một việc: ghi lại những chấn động trong tâm hồn mình một cách chân thực, thành kính. Chân thành là nghệ thuật cao nhất của thơ ca”, nhà thơ Hữu Thỉnh nói.
Các nhà thơ, nhà văn nói gì ? ““Nhập thần” viết ra một vài bài thì có thể giải thích được, chứ viết hơn trăm bài thơ trong một đêm thì quả thật khó hình dung!” Nhà thơ Hữu Việt “Tôi đọc tập Thi vân Yên Tử và nghe qua nhiều phát ngôn của bạn đọc và các nhà thơ khác thì tập thơ này là tập thơ tả cảnh một cách trực giác nhưng vô hồn, một tập thơ của người chơi ngông, và chắc chắn là hầu hết các bài làm theo kiểu “Đường luật” thì đều sai luật” Nhà thơ Trần Trương |
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Thuận đã nói về hiện tượng “Nhập đồng Thơ” ngày 4.4.2010 sau khi ông dâng hương tại một “Đàn cầu thơ” ở vùng cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) cùng với nhà thơ Dương Kỳ Anh (nguyên Tổng biên tập Báo Tiền Phong). Để làm chứng, 2 nhà thơ này đã cùng ký tên vào góc 141 tờ giấy trắng và cầu mong đêm ấy sẽ có “thơ ứng nghiệm”. Đến nửa đêm, cả hai ông đều chưa viết được gì. Nhưng chỉ trong vòng 4 giờ tới mờ sáng, khi ông Dương Kỳ Anh thiếp ngủ vì mệt thì ông Hoàng Quang Thuận, đã “nhập đồng thơ” viết như người mộng du liên tục 121 bài thơ trên những trang giấy trắng có chữ ký của 2 ông. Nhận xét về hiện tượng này, ông Anh cho biết, đây là một sự kiện kỳ lạ mà ông chưa bao giờ được thấy, nếu không có chữ ký của ông ở góc những tờ giấy trắng kia, có thể ông sẽ nghĩ ông Thuận đã chép lại một tập thơ của ông ta hoặc ai đó. Ông Anh cũng cho rằng chính mình cũng thấy rất thú vị trước nhiều câu thơ của ông Thuận viết như những câu: “Xiêm y tiên nữ bỏ quên rồi/Bầu vú căng tròn sữa vẫn rơi/Sư tử chầu bên không lay động/Voi thiền mắt nhắm nước sông trôi”. |
Nguyễn Việt Chiến
>> Hiện tượng “nhập đồng thơ”
>> Nguyễn Huy Thiệp làm thơ, viết chèo cổ
>> Trở về quê hương làm thơ, viết nhạc
>> Trẻ làm lính, già... làm thơ
>> Làm thơ Haiku có thưởng
Bình luận (0)