Giá cả ở Nhật Bản đang tăng cao và chính phủ nước này đã thấy một số dấu hiệu để cân nhắc việc tuyên bố chấm dứt giảm phát. Động thái này được cho là đưa nước Nhật sang một trang mới sau nhiều thập kỷ kinh tế trì trệ và chiến đấu với giảm phát.
Giảm phát là khi giá hàng hóa, dịch vụ liên tục giảm và trên quy mô lớn. Nhật Bản nhiều năm rơi vào tình trạng giảm phát, khi người tiêu dùng và doanh nghiệp trì hoãn chi tiêu vì kỳ vọng giá giảm thêm. Điều này không hề tốt cho nền kinh tế.
Trong nhiều năm qua, mặc dù Nhật Bản vẫn khẳng định "không ở trong tình trạng giảm phát", nhưng đợt lạm phát gần đây, chủ yếu do chi phí nhập khẩu cao hơn và triển vọng tăng lương bền vững được coi là dọn đường cho Nhật Bản chấm dứt cuộc chiến chống giảm phát kéo dài hơn 25 năm.
Theo báo cáo của Kyodo News, việc Nhật Bản cân nhắc tuyên bố chấm dứt giảm phát đến từ việc chỉ số Nikkei 225 gần đây đã vượt qua ngưỡng 40.000 điểm, lần đầu tiên sau 34 năm, phản ánh sự thay đổi đáng kể trong bối cảnh kinh tế. Thị trường ngày càng có nhiều kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể sớm kết thúc chính sách nới lỏng tiền tệ.
Một cuộc thăm dò ý kiến các nhà kinh tế do Reuters thực hiện dự báo rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm áp dụng từ năm 2016 vào tháng tới.
BOJ duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và hiện cho phép lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng trên 1%. Trong những tháng gần đây, ngân hàng đã dần nới lỏng kiểm soát đối với lãi suất dài hạn, vốn từ lâu được giữ ở mức thấp nhất trong khuôn khổ đường cong lợi suất.
Nhật Bản đặt mục tiêu đạt lạm phát 2% do rơi vào giảm phát trong nhiều năm. Chính vì lý do này, Nhật Bản đã thực hiện chính sách tiền tệ siêu lỏng nhiều năm qua, đi ngược với chính sách tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát như nhiều nước thế giới trong 2 năm qua.
Chính phủ sẽ xem xét kỹ lưỡng một loạt các chỉ số để quyết định có tuyên bố chấm dứt giảm phát hay không. Một thông báo chính thức, mặc dù mang tính biểu tượng, nhưng cũng đồng nghĩa một trong những nút thắt tăng trưởng lớn đối với nền kinh tế Nhật Bản đã được gỡ bỏ.
Bình luận (0)