Nhật Bản cân nhắc việc tạo thuận lợi về nhập cảnh cho người Việt Nam

11/10/2023 10:34 GMT+7

Bà Kobayashi Maki, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cho biết nước này đang đánh giá lại cách thu hút thêm lao động chất lượng cao và cân nhắc việc tạo thuận lợi về nhập cảnh cho người Việt Nam.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí tối 10.10 tại Hà Nội, nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko đến Việt Nam, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kobayashi Maki cho biết, để thu hút thêm du khách Việt Nam sang Nhật Bản, nước này đang cân nhắc việc tạo thuận lợi về nhập cảnh cho người Việt Nam. Tuy không hẳn là miễn thị thực, nhưng có những cách khác để tạo thuận lợi hơn trong hệ thống thị thực.

Nhật Bản cân nhắc việc tạo thuận lợi về nhập cảnh cho người Việt Nam - Ảnh 1.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kobayashi Maki

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Trước đó, trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị Nhật Bản có các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục trong cấp thị thực cho công dân Việt Nam như xem xét đưa Việt Nam vào danh sách các nước được cấp thị thực điện tử; cấp thị thực dài hạn (5 - 10 năm) đối với người Việt Nam đã vào Nhật Bản nhiều lần và không vi phạm pháp luật; từng bước tiến tới miễn thị thực cho công dân Việt Nam.

Trong tháng 1 năm nay, có hơn 51.500 lượt khách Việt Nam đến Nhật Bản. Việt Nam là quốc gia duy nhất có lượng khách đạt mức tăng trưởng 45,6% so với năm 2019, thời điểm trước dịch Covid-19. So với năm 2021, con số này tăng hơn 12.000 lần, theo số liệu của Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản.

Giai đoạn 2015 - 2019, khách Nhật Bản đến Việt Nam tăng 1,4 lần, từ 671.000 lượt (năm 2015) lên 952.000 lượt (năm 2019), mức tăng bình quân đạt 9,1%/năm. Theo bà Kobayashi Maki, con số này cần được cải thiện nhằm tăng lượng du khách đến du lịch giữa hai nước.

Về lao động, trong giai đoạn phải đối diện với vấn đề dân số già, khan hiếm lao động, Chính phủ Nhật Bản đang đánh giá lại cách thu hút thêm lao động chất lượng cao và cân nhắc việc tạo thuận lợi hơn cho người Việt Nam.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng, bất kể chính sách nào cũng không thiết kế cho riêng một quốc gia. Chính phủ Nhật Bản hiện nay đang suy nghĩ lại một cách nghiêm túc về cách thu hút nhiều hơn lao động chất lượng cao, bằng cách mở rộng lĩnh vực chuyên môn và cải thiện điều kiện tốt hơn. Việc thảo luận vẫn đang diễn ra, có thể đến năm tới mới có thay đổi.

Những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang Nhật làm việc chiếm trên 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Tính đến tháng 12.2022, tổng số lao động Việt Nam hiện sinh sống và làm việc tại Nhật Bản là 345.000 người.

Tiếp tục cung cấp vốn ODA

Trước câu hỏi của phóng viên về hoạt động cung cấp ODA cho các quốc gia có bị ảnh hưởng không khi Nhật Bản đang bị thâm hụt ngân sách khá lớn, bà Kobayashi Maki cho biết, Chính phủ Nhật Bản xác định vẫn phải tiếp tục hợp tác với các quốc gia bạn bè và Chính phủ Nhật Bản gần đây áp dụng cách tiếp cận mới trong chính sách ODA.

Nhật Bản cân nhắc việc tạo thuận lợi về nhập cảnh cho người Việt Nam - Ảnh 2.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được đầu tư với vốn vay ODA của Nhật Bản

NHẬT THỊNH

Nhật Bản trước kia thường chờ nước đối tác đưa ra ưu tiên và dự án mà họ mong muốn. Nhưng nay, Nhật Bản chủ động đưa ra đề xuất với quốc gia đối tác để quá trình chuẩn bị nhanh hơn và theo chính sách mới.

Nhật Bản đề ra các ưu tiên chính sách đối với ODA gồm: đạt được tăng trưởng chất lượng, nghĩa là tăng trưởng toàn diện, bền vững và kiên cường cho các nước đang phát triển và giảm nghèo; duy trì và tăng cường trật tự quốc tế tự do và cởi mở; đóng vai trò dẫn đầu trong việc ứng phó với tính phức tạp và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng của các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, sức khỏe cộng đồng và quản lý thiên tai.

Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản cung cấp ODA thế hệ mới cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam như đường bộ, đường sắt.

Đánh giá cao nguồn vốn ODA Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam thời gian qua, Thủ tướng đề nghị hai bên hợp tác chặt chẽ thúc đẩy tiến độ các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, dự án Bệnh viện Chợ Rẫy cơ sở 2…



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.