Theo AFP, trong tháng 11, Lực lượng tuần duyên Nhật Bản (JCG) đã phát hiện 28 tàu cá có nguồn gốc từ CHDCND Triều Tiên trôi dạt vào vùng biển nhiều tỉnh thành của nước này. Đây là con số cao nhất kể từ khi nhà chức trách Nhật bắt đầu thống kê dữ liệu về hiện tượng này hồi năm 2014.
Tính từ đầu năm 2017, tổng cộng 76 con tàu được giới truyền thông sở tại gọi là “tàu ma” xuất hiện tại Nhật. Trong đó, JCG phát hiện 18 thi thể và cứu sống 42 người. Đến nay, cách xử lý của chính quyền Nhật là hỏa táng thi thể và tạm giam những người còn sống để điều tra kỹ lưỡng.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại khu vực, sự xuất hiện dồn dập của những con “tàu ma” khiến nhiều người dân lo lắng. “Tôi rất băn khoăn vì sao lại có nhiều con tàu bất minh xuất hiện trong một thời gian quá ngắn như vậy”, ông Kazuko Komatsu, sống tại thành phố cảng Yurihonjo, nói với tờ The New York Times.
Hôm 23.11, nhà chức trách Yurihonjo đã cứu sống 8 thủy thủ Triều Tiên trên một con tàu trôi dạt và ngay hôm sau, báo chí địa phương giật tít: “Họ có phải là gián điệp?”.
tin liên quan
'Tàu ma' trôi dạt vào bờ biển Nhật BảnMột số tàu gỗ bí ẩn với những bộ xương trôi dạt vào bờ biển Nhật Bản trong những tuần gầy đây.
Đặc biệt, nhiều người, nhất là người lớn tuổi, vẫn còn bị ám ảnh về những vụ biệt kích Triều Tiên xâm nhập và bắt cóc công dân Nhật trong thập niên 1970 - 1980. Hồi năm 2002, chính quyền Bình Nhưỡng thừa nhận cầm giữ 13 công dân Nhật và sau đó trả tự do cho 5 người. Triều Tiên tuyên bố số còn lại đã chết, nhưng cũng có ý kiến cho rằng họ vẫn đang sống tại nước này.
“Tôi nghi họ đang cố bắt cóc ai đó”, bà Mariko Abe, 66 tuổi và cũng sống ở Yurihonjo, nói. Để trấn an dư luận, Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga hồi giữa tuần khẳng định những thủy thủ Triều Tiên được giải cứu không phải là gián điệp.
Mặt khác, “tàu ma” cũng gây một số biểu hiện phức tạp về an ninh trật tự. Theo Đài NHK, hồi cuối tháng 11, có một tàu Triều Tiên xuất hiện gần hòn đảo xa xôi của Nhật để trú bão. Sau khi họ rời đi, người dân phát hiện nhiều tài sản bị lấy cắp gồm ti vi, tủ lạnh, lò vi ba…
Trong khi đó, tất cả thủy thủ Triều Tiên đều khai với giới chức Nhật rằng họ là ngư dân và tàu gặp nạn vì thời tiết xấu, hết nhiên liệu hoặc sự cố máy móc. Tờ The Guardian dẫn lời giới phân tích tin vào lời giải thích này. Theo họ, do LHQ và nhiều nước siết chặt cấm vận nên xuất khẩu hải sản đang trở thành nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Triều Tiên, trong khi vùng đánh bắt lại bị thu hẹp sau khi Bình Nhưỡng bán quyền đánh bắt ở một số khu vực thuộc Hoàng Hải cho Trung Quốc hồi năm ngoái.
Để hoàn thành chỉ tiêu cũng như cải thiện cuộc sống, ngày càng nhiều ngư dân phải liều mình đi xa hơn. “Họ không được đào tạo bài bản các kỹ năng cần thiết. Khi đương đầu với đại dương hung dữ trên những con thuyền cũ kỹ, họ thực sự gặp rắc rối”, Giáo sư Satoru Miyamoto thuộc Đại học Seigakuin (Nhật Bản), nhận định.
Triều Tiên muốn đối thoại trực tiếp với Mỹ
Hãng tin Interfax hôm qua dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Triều Tiên muốn đối thoại trực tiếp với Mỹ về tình hình căng thẳng hiện nay. Moscow cũng đã chuyển ý muốn đối thoại của Bình Nhưỡng cho phía Washington nhân cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Lavrov và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson bên lề một hội nghị ở Áo. Chưa có thông tin về phản ứng từ Mỹ.
Cùng ngày, giới chức Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) bác bỏ tin đồn nói tổ chức này đang xem xét lập vùng cấm bay xung quanh Triều Tiên vì nguy cơ tên lửa đe dọa các chuyến bay dân sự. Trong khi đó, tờ Dong-A Ilbo dẫn lời giới phân tích dự đoán, Triều Tiên có thể sẽ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm trong khoảng thời gian Giáng sinh sắp tới.
|
Bình luận (0)