Nhật Bản đề xuất ngân sách quốc phòng kỷ lục

31/08/2024 10:43 GMT+7

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đề xuất ngân sách kỷ lục trong động thái nhằm gửi thông điệp rõ ràng đến đồng minh và cả đối thủ.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 30.8 đề xuất ngân sách hơn 8.500 tỉ yen (58 tỉ USD) cho năm tài chính 2025, theo tờ The Japan Times. Mức đề xuất này cao hơn 10% so với ngân sách kỷ lục 7.700 tỉ yen năm ngoái và là lần đầu tiên vượt mốc 8.000 tỉ yen.

Theo đề xuất, Nhật Bản muốn mua nhiều máy bay không người lái (UAV) tấn công cỡ nhỏ và bắt đầu sản xuất đại trà tên lửa tầm xa, tích hợp các mạng lưới vệ tinh nhỏ, xây dựng năng lực tấn công đáp trả.

Nhật Bản muốn có vũ khí gì với đề xuất ngân sách quốc phòng kỷ lục?

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng các hệ thống không người lái là công nghệ thay đổi cuộc chơi, giúp chiếm ưu thế bất đối xứng trên không, trên biển, hạn chế tổn thất nhân mạng. Bộ Quốc phòng muốn dành 3 tỉ yen để mua UAV tấn công cỡ nhỏ có khả năng tiêu diệt tàu chiến và máy bay đối phương.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn đề xuất 970 tỉ yen cho vũ khí tầm xa, gồm 17 tỉ yen cho phiên bản cải tiến tầm xa của tên lửa Type-12 và 3 tỉ yen cho tên lửa dẫn đường phóng từ tàu ngầm. Cả hai vũ khí này dự kiến được sản xuất hàng loạt trong năm tài chính tới.

Nhật Bản đề xuất ngân sách quốc phòng kỷ lục- Ảnh 1.

Lực lượng Nhật Bản trong một cuộc tập trận hồi tháng 5

ẢNH: BLOOMBERG

Hơn 35 tỉ yen sẽ được cấp cho chương trình mở rộng quy mô sản xuất tên lửa bội siêu thanh trong khi 316 tỉ yen dành cho phát triển các vũ khí lướt tốc độ cao. Những năng lực này cho phép Nhật Bản tấn công căn cứ và mục tiêu từ xa.

Ngân sách quốc phòng đề xuất sẽ được Bộ Tài chính hoàn tất. Giới quan sát cho rằng mức chi kỷ lục này sẽ gửi tín hiệu đến các đồng minh lẫn đối thủ của Nhật Bản.

"Đây là thông điệp quan trọng về cam kết lâu dài đối với kế hoạch xây dựng phòng thủ đã được công bố trước đó, cho thấy rằng đây không phải là cử chỉ một lần mà là chương trình thực tiễn và đáng tin nhằm tăng cường phòng thủ. Nó sẽ giúp tăng cường răn đe để các đối thủ không muốn sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp với Nhật Bản hay đồng minh thân thiết", chuyên gia quốc phòng James Schoff tại Quỹ Hòa bình Sasakawa Mỹ nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.