Một chiếc trực thăng UH-60 của Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản (GSDF) chở theo 10 người đã mất tích khi hoạt động tại vùng biển gần đảo Miyako, thuộc Okinawa vào lúc 15 giờ 56 hôm 6.4.
Đến nay, Nhật Bản chưa tìm thấy xác trực thăng và xác định nguyên nhân vụ việc. Một số suy đoán cho rằng trực thăng có thể bị Trung Quốc bắn rơi, dẫn chứng bằng sự xuất hiện của tàu chiến Trung Quốc tại khu vực vào ngày đó.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ngày 11.4, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã bác bỏ thông tin này, theo Kyodo News. "Chúng tôi không xác nhận các hành động của quân đội Trung Quốc liên quan vụ việc", phát ngôn viên Takeshi Aoki của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói.
Nhật Bản nói gì về tin đồn trực thăng mất tích bị Trung Quốc bắn hạ?
Những thuyết âm mưu được lan truyền trên mạng trước đó cho rằng Trung Quốc có thể đã bắn rơi trực thăng bằng một tên lửa hoặc một máy bay không người lái, hoặc cũng có khả năng tấn công sóng vô tuyến khiến trực thăng bị mất kiểm soát.
Những đồn đoán càng được nhấn mạnh thêm sau khi Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố thông tin cho biết các tàu hộ tống và trinh sát của hải quân Trung Quốc được phát hiện di chuyển tại vùng biển gần đó vào rạng sáng 6.4.
Trong một phiên họp tại quốc hội vào tuần trước, một nghị sĩ đối lập đã chất vấn Bộ trưởng Quốc phòng Yasukazu Hamada về mối liên hệ tiềm tàng giữa tàu Trung Quốc và vụ việc. Ông Hamada nói rằng Bộ Quốc phòng không nhận được báo cáo nào gợi ý về khả năng có sự liên quan.
Phát ngôn viên Aoki nói có sự chênh lệch lớn giữa thời điểm tàu Trung Quốc hiện diện tại khu vực và thời điểm trực thăng mất tích.
Phía Trung Quốc chưa bình luận gì.
Theo đài NHK, tính đến ngày 11.4, Nhật Bản chưa tìm thấy manh mối quan trọng nào về những người mất tích. Lực lượng Phòng vệ và Tuần duyên, cùng 12 tàu cá đang tham gia công tác tìm kiếm.
Chiến đấu cơ tàng hình F-35B 'chúi đầu' trên đường băng Nhật Bản
Đảo Miyako cách Đài Loan khoảng 400 km về hướng đông, là nơi đặt đơn vị tên lửa chống hạm của GSDF. Đảo này nằm gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản và Trung Quốc tranh chấp và hiện do Tokyo kiểm soát.
Trong một diễn biến khác, Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 11.4 ký 4 hợp đồng phát triển và mua sắm tên lửa với công ty Mitsubishi Heavy Industries. Theo Bloomberg, các hợp đồng gồm một thỏa thuận phát triển tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm và hợp đồng sản xuất hàng loạt một thiết bị lướt bội siêu thanh để bảo vệ đảo.
Hai hợp đồng còn lại là về sản xuất tên lửa đối hạm Type 12 và phát triển phiên bản tiên tiến hơn của tên lửa này. Hiện chưa rõ giá trị các hợp đồng. Trong ngân sách năm nay, Bộ Quốc phòng Nhật dành ra hơn 1.400 tỉ yen (10,5 tỉ USD) để phát triển tên lửa.
Bình luận (0)