Nhật Bản rúng động sau thảm họa con tin IS

02/02/2015 12:25 GMT+7

(TNO) Vụ hành hình dã man nhà báo Kenji Goto đã gây rúng động Nhật Bản. Trong khi đó, Tokyo đang có những cân nhắc nghiêm túc trong việc thay đổi các chính sách về quốc phòng.

(TNO) Vụ hành hình dã man nhà báo Kenji Goto đã gây rúng động Nhật Bản. Trong khi đó, Tokyo đang có những cân nhắc nghiêm túc trong việc thay đổi các chính sách về quốc phòng.

“Tôi rất tự hào về Goto”
 
Ông Yukio Ishido và bà Junko Ishido, cha mẹ của nhà báo Kenji Goto - Ảnh: AFP
Rinko Jogo, vợ nhà báo Kenji Goto, cho biết tuy cảm thấy suy sụp, nhưng bà vẫn rất tự hào về chồng mình, đồng thời gửi lời cảm ơn những người đã quan tâm đến gia đình trong lúc khó khăn, theo Rory Peck Trust, tổ chức hỗ trợ phóng viên tự do có trụ sở tại London.
“Tôi rất tự hào về Goto. Anh ấy luôn khát khao muốn cho cả thế giới thấy tấn thảm kịch tuyệt vọng về ảnh hưởng của chiến tranh đến những người bình thường, đặc biệt là trẻ em”, bà Jogo phát biểu.
Mặt khác, bà Jogo cũng đề nghị các cơ quan truyền thông tôn trọng sự riêng tư của gia đình, theo AP.
Trong khi đó, bà Junko Ishido, mẹ nhà báo Kenji Goto, xúc động: “Kenji đã đi trên con đường của riêng nó. Giờ đây, tôi chỉ hi vọng chúng ta có thể tiếp tục sứ mạng mà Kenji theo đuổi, cứu trẻ em khắp thế giới thoát khỏi nghèo đói và chiến tranh”.
Người dân Nhật Bản cũng bày tỏ niềm thương tiếc vô hạn đối với Kenji Goto, một nhà báo được đánh giá là “nhân hậu và dũng cảm”, theo AP.
"Tôi là Kenji" - Ảnh: Reuters
Ngay sau khi IS công bố đoạn video đầu tiên về 2 con tin Kenji Goto và Haruna Yukawa hôm 20.1, trang Facebook do Taku Nishimae, nhà làm phim người Nhật Bản hiện đang sống ở New York thành lập, đã nhanh chóng thu hút khoảng 10 nghìn lượt "Thích" và hàng loạt bức ảnh nhiều người trên khắp thế giới cầm trong tay những tấm bảng có dòng chữ “Tôi là Kenji”.
“Kenji sẽ sống mãi trong tim chúng ta”, Nishimae viết trên Fanpage.
Các hình ảnh và từ ngữ nhạy cảm liên quan đến vụ bắt cóc 2 con tin tại Syria như tiền chuộc, dao, máu... hiện đã bị ngưng sử dụng tại Nhật Bản. Một số chương trình giải trí và phim hoạt hình cũng phải dời lịch phát sóng vì lí do nêu trên.
Nhật Bản sẽ thay đổi chính sách quốc phòng?
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe một lần nữa bày tỏ sự phẫn nộ đối với tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) về vụ hành quyết nhà báo Kenji Goto, mặt khác khẳng định nước Nhật sẽ tăng cường hợp tác cùng cộng đồng quốc tế trong các nỗ lực nhằm tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, theo Reuters ngày 2.2.
“Không thể để những kẻ khủng bố ti tiện gây nên sự lo ngại, từ đó chia rẽ chúng ta. Đó là mục đích của chúng”, ông Abe nhận định.
Trước đó, vào hôm 1.2, ông Abe tuyên bố Nhật Bản sẽ tăng cường các hoạt động viện trợ nhân đạo cho khu vực Trung Đông.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - Ảnh: Reuters
Tuy không thể trực tiếp tham chiến hoặc hỗ trợ về mặt hậu cần cho liên quân chống IS do Mỹ đứng đầu, nhưng Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc khả năng thực hiện các chiến dịch giải cứu công dân trong trường hợp họ gặp nguy hiểm ở nước ngoài, theo Reuters.
Đây được xem là động thái phù hợp với lập trường tăng cường sức mạnh và tầm ảnh hưởng cho quân đội Nhật Bản của ông Abe, Reuters nhận định.
Nếu các dự luật triển khai quân đội được thượng viện thông qua, dự kiến trong năm nay, thì đó sẽ là thay đổi lớn nhất về chính sách quốc phòng của Tokyo trong vòng 60 năm trở lại đây, kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Hôm 1.2, IS đã cho công bố một đoạn video, trong đó có cảnh hành quyết con tin người Nhật Bản, phóng viên tự do Kenji Goto, 47 tuổi, bị bắt cóc hồi tháng 10.2014.
Trước đó khoảng 1 tuần, IS đăng tải một đoạn video khác có cảnh quay thi thể không đầu của Haruna Yukawa, bị bắt hồi tháng 8.2014 sau khi đến Syria nhằm thành lập một công ty an ninh, theo Reuters.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.