Nhật Bản tham gia phát triển nhiều dự án đường sắt đô thị TP.HCM

Đình Phú
Đình Phú
09/03/2018 10:25 GMT+7

Trong số 8 tuyến đường sắt đô thị (metro) TP.HCM mà Thủ tướng phê duyệt, Nhật Bản tài trợ vốn ODA và tham gia hỗ trợ phát triển nhiều dự án quan trọng.

Theo quyết định số 568 vào năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh phát triển hệ thống giao thông TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, TP.HCM sẽ xây dựng 8 tuyến metro xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố, chủ yếu đi ngầm trong nội đô.
Ước tính TP.HCM cần đến khoảng 40 tỉ USD để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông theo quy hoạch được duyệt trong những năm tới. Trong khi đó, thực tế vốn dành cho hạ tầng, đầu tư phát triển của TP.HCM chỉ khoảng trên dưới 10.000 tỉ đồng mỗi năm.
Các tuyến metro được xem là những công trình trọng điểm, góp phần giải quyết giảm vấn nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông ở TP.HCM. Nhưng do thiếu hụt về nguồn vốn, tiến độ triển khai các dự án metro đều bị chậm trễ.
Ngày 9.3, theo thông tin từ Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, Nhật Bản là đối tác tham gia triển khai nhiều dự án, phần việc quan trọng.
Trong đó, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sử dụng nguồn vốn vay ODA do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ và vốn đối ứng ngân sách thành phố với tổng mức đầu tư hơn 47.325 tỉ đồng (tương đương hơn 236 tỉ yên Nhật), dự kiến 2020 hoàn thành.
Liên quan đến tuyến metro số 1, tư vấn của Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản (METI) cũng đã hỗ trợ, thực hiện hoàn tất vào đầu năm 2017 việc nghiên cứu kéo dài tuyến metro số 1 đến tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Theo đề xuất, từ ga cuối Suối Tiên của metro số 1 sẽ kéo dài về phía bắc 2km để xây dựng nút giao; sau đó từ nhà ga nút giao này tách thành 2 nhánh để đi về tỉnh Bình Dương và tỉnh Đông Nai.
JICA cũng tham gia hỗ trợ dự án hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực quản lý cho Công ty đường sắt đô thị nhằm triển khai vận hành khai thác tuyến metro số 1; hỗ trợ nghiên cứu đặc biệt về phát triển liên phương thức tại các khu vực nhà ga tuyến metro số 1 nhằm kết nối metro với các loại hình, phương tiện giao thông khác.
Phía UBND TP.HCM cũng đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về triển khai dự án đầu tư Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành (nhà ga Bến Thành của tuyến metro số 1) với sự đăng ký đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản.
Đối với tuyến metro 3a (Bến Thành - ga Tân Kiên), JICA đã nghiên cứu khảo sát chuẩn bị dự án, hoàn tất báo cáo toàn dự án trong năm 2017 để triển khai các thủ tục đầu tư trong những năm tới.
Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã đề nghị UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục tài trợ, hỗ trợ TP.HCM trong việc cung cấp vốn ODA, dịch vụ kỹ thuật cho các dự án tuyến metro 3a, tuyến metro 3b và dự án kéo dài tuyến metro số 1 đi tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai; hỗ trợ công tác đào tạo, vận hành hệ thống metro…
8 tuyến metro xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của TP.HCM
- Tuyến số 1: Bến Thành - Suối Tiên, chiều dài khoảng 19,7km; nghiên cứu kéo dài tới thành phố Biên Hòa - tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương: từ ga Suối Tiên, đi dọc theo quốc lộ 1 đến ngã 3 Chợ Sặt, thành phố Biên Hòa; kéo dài đến Bình Dương: từ ga Suối Tiên - Mỹ Phước - Tân Vạn - Đường XT1 - ga trung tâm (Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Bình Dương).
- Tuyến số 2: Đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi) - quốc lộ 22 - Bến xe Tây Ninh - Trường Chinh - (nhánh vào Depot Tham Lương) - Cách Mạng Tháng Tám - Phạm Hồng Thái - Lê Lai - Bến Thành - Thủ Thiêm, chiều dài khoảng 48km.
- Tuyến số 3a: Bến Thành - Phạm Ngũ Lão - Ngã 6 Cộng Hòa - Hùng Vương - Hồng Bàng - Kinh Dương Vương - Depot Tân Kiên - ga Tân Kiên, chiều dài khoảng 19,8km. Nghiên cứu kéo dài tuyến số 3a kết nối thành phố Tân An (tỉnh Long An) từ ga Hưng Nhơn đi dọc theo quốc lộ 1.
- Tuyến số 3b: Ngã 6 Cộng Hòa - Nguyễn Thị Minh Khai - Xô Viết Nghệ Tĩnh - quốc lộ 13 - Hiệp Bình Phước, chiều dài khoảng 12,1km. Nghiên cứu kết nối với thị xã Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) từ ga Hiệp Bình và đi dọc quốc lộ 13, kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 của tỉnh Bình Dương.
- Tuyến số 4: Thạnh Xuân - Hà Huy Giáp - Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm - Phan Đình Phùng - Hai Bà Trung - Bến Thành - Nguyễn Thái Học - Tôn Đản - Nguyễn Hữu Thọ - Khu đô thị Hiệp Phước, chiều dài khoảng 36,2km.
- Tuyến số 4b: Ga Công viên Gia Định (tuyến số 4) - Nguyễn Thái Sơn - Hồng Hà - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - Trường Sơn - Công viên Hoàng Văn Thụ - Ga Lăng Cha Cả (tuyến số 5), chiều dài khoảng 5,2km.
- Tuyến số 5: Bến xe cần Giuộc mới - quốc lộ 50 - Tùng Thiện Vương - Phù Đổng Thiên Vương - Lý Thường Kiệt - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Bạch Đằng - Điện Biên Phủ - cầu Sài Gòn, chiều dài khoảng 26km.
- Tuyến số 6: Bà Quẹo - Âu Cơ - Lũy Bán Bích - Tân Hòa Đông - Vòng xoay Phú Lâm, chiều dài khoảng 5,6km.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.