Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao Taro Kono nêu rõ: “Tôi xin bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc trước những cống hiến to lớn của ông trong xúc tiến giao lưu học thuật Nhật - Việt, đào tạo chuyên gia nghiên cứu Nhật Bản cũng như giới thiệu cho người dân về “Phong trào Đông du”, một sự thật lịch sử trong quan hệ giao lưu Nhật - Việt, qua đó góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa người dân hai nước Nhật Bản và Việt Nam”.
Phát biểu tại lễ truy tặng bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio cho biết: GS Phan Huy Lê không chỉ là nhà sử học hàng đầu của Việt Nam mà còn là học giả hiểu biết uyên thâm về quan hệ Nhật - Việt, đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển của quan hệ hữu nghị, tin cậy lẫn nhau giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Đại sứ Umeda đã điểm lại 3 đóng góp của GS Phan Huy Lê. Thứ nhất, năm 1987, khi quan hệ Việt Nam, Nhật Bản trong giai đoạn khó khăn, GS đã đảm nhiệm vai trò Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nhật, tham gia tổ chức rất nhiều sự kiện giao lưu văn hóa, trong đó phải kể tới hoạt động nghiên cứu học thuật và hội thảo quốc tế với chủ đề bảo tồn di tích Phố cổ Hội An mà GS và các cộng sự tổ chức năm 1990.
|
Thành công của sự kiện này gắn liền với dự án bảo tồn khu phố cổ hợp tác với Nhật Bản cũng như ghi tên phố cổ Hội An vào danh sách di sản thế giới của UNESCO. Tháng 11.2017, khi đến Đà Nẵng tham gia APEC, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tới thăm Hội An, tham dự lễ tiếp nhận mô hình Châu ấn thuyền và được người dân Hội An đón chào nồng nhiệt.
GS Phan Huy Lê là người có công lớn trong việc làm sáng tỏ quan hệ gắn bó mang tính lịch sử giữa Hội An và Nhật Bản từ khoảng thế kỷ 16, góp phần xây dựng nền móng cho quan hệ giao lưu hữu nghị hiện nay.
Thứ hai là đóng góp trên cương vị Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, GS đã có nhiều cống hiến trong giao lưu học thuật giữa 2 nước cũng như đào tạo chuyên gia nghiên cứu về Nhật Bản của Việt Nam.
Thứ ba, từ năm 1995, khi giữ chức Chủ nhiệm khoa Đông Phương học tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), GS Phan Huy Lê đã đặc biệt quan tâm tới việc phát triển chuyên ngành Nhật Bản học, có đóng góp cho lớn cho công tác đào tạo cán bộ nghiên cứu về Nhật Bản và sự phát triển của ngành Nhật Bản học chất lượng cao tại Việt Nam.
Đại sứ Umeda Kunio cũng chia sẻ ông đã gặp GS Phan Huy Lê 2 lần và trao đổi về tình hình Việt Nam, quan hệ Việt - Nhật... “GS Phan Huy Lê đã từng nói với tôi, dù phân tích ở mức độ cá nhân, nhà nước hay hệ thống quốc tế, Nhật Bản là một đối tác quan trọng và tin cậy bậc nhất đối với Việt Nam. Tôi luôn tâm niệm lời nói của GS, quyết tâm nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước chúng ta”, Đại sứ Umeda nói.
Bình luận (0)