Nhặt chuyện văn nhân: Nhà văn của Tây nguyên

28/02/2022 07:01 GMT+7

Khoảng đầu năm 1982, tôi khi đó là một sinh viên văn khoa mới ra trường, công tác tại phòng văn nghệ Ty Văn hóa Thông tin Gia Lai - Kon Tum, được giao nhiệm vụ đón nhà văn Trung Trung Đỉnh từ Hà Nội vào, và giúp việc ông trong việc xuất bản một số tạp chí Văn nghệ cũng như tổ chức một trại sáng tác văn học cho anh em sáng tác đang sinh sống tại tỉnh Gia Lai - Kon Tum (cũ).

Tiếng là chủ nhà, nhưng tôi lại được ông khách là Trung Trung Đỉnh kéo đi khắp nơi, khắp các cơ quan trong tỉnh như về nhà ông. Hồi ấy lấy được cái quyết định mở trại, rồi quyết định của ủy ban tỉnh điều động anh em cán bộ công nhân viên đi dự trại là cả một kỳ công. Tôi nhớ chính tôi và anh Đỉnh đèo nhau trên một cái xe đạp long xòng xọc mà anh Đỉnh mượn ở đâu đó (tôi làm gì đã có xe đạp) đi tìm bác Lê Văn Thành là ủy viên thư ký ủy ban tỉnh (hồi ấy ủy ban đang còn có chức này), để bác ký cho cái quyết định. Tìm khắp nơi không thấy, mãi sau có người mách bác đang tăng gia cùng anh em. Ra đến nơi thấy ông ủy viên thư ký ủy ban tỉnh quần xắn móng lợn (quần xắn gọn hai ống dưới bắp chân) đang cùng anh chị em văn phòng ủy ban cuốc đất trồng... khoai lang phía sau cơ quan. Bác vui vẻ dừng cuốc, phủi tay kê quyết định lên đùi ký…

Nhà văn Trung Trung Đỉnh (trái)

VĂN CÔNG HÙNG

Chúng tôi vòng lại vào tìm văn thư đóng dấu, bị hạch là sao không có số, không có ngày và bản thảo của chuyên viên đâu. Khổ, 2 ông, một ông nhà văn, một ông sinh viên mới ra trường, đâu có hiểu thủ tục văn bản nó thế nào. Chúng tôi tự thảo công văn rồi đánh máy vào giấy “tăng xin”, chứ nếu cứ chờ bộ máy thời ấy thì đến bao giờ! Giải thích mãi không xong, ông Đỉnh nổi đóa lên, quát um văn phòng ủy ban làm chị em không hiểu cái gã lôi thôi lếch thếch này là người như thế nào. Thôi thì đóng cho y cho rồi. Thế là có quyết định và cái trại năm ấy được mở trong hoàn cảnh như thế.

... Cứ thế, tôi trở thành đàn em của Trung Trung Đỉnh. Con người này lạ lắm: Tây nguyên, mà cụ thể là Gia Lai, trở thành một phần máu thịt, nên suốt ngày cứ nhăm nhăm có điều kiện là vọt vào. Mà cái thời bao cấp, đi có dễ dàng gì? Trung Trung Đỉnh xây dựng “căn cứ cách mạng” khá vững chắc ở Gia Lai để mỗi khi vào chả cơm bưng nước rót thì cũng ngày 2 bữa, có chỗ ngủ, đi đâu thì đi, chứ mấy cơ quan liên quan đến nghề nghiệp, lẽ ra phải đón ông thì đều... nghèo.

Mà ông thú nhất là xuống làng ông họa sĩ Xu Man ngủ đêm ở đó. Đấy là ngôi làng người Ba Na rất đẹp cách TP.Pleiku khoảng 40 cây số. Tôi còn mấy cái ảnh chụp Trung Trung Đỉnh cởi trần phô bộ ngực lép kẹp đang uống rượu cùng dân làng tại nhà Xu Man, trông cứ nhóa nhòa, chả phân biệt ông nào người Kinh từ Hà Nội vào, ông nào là dân làng. Xuống làng là ông nói tiếng Ba Na với dân làng, chả biết có ai hiểu ai nói gì không nhưng thấy tất cả cứ móm mém cười phớ lớ. Rồi ông Đỉnh hát, cứ là “Tang hang du kích tang hang” rồi “ưk kơ tưk ưk kơ tưk”. Rồi xoang. Không chỉ xoang ở làng, ngay cả trên phố, trong các nhà hàng sang trọng, ông cũng... xoang. Vừa xoang vừa hát tiếng Ba Na. Hồi ông Xu Man mất đúng vào 29 tết năm rồi, chúng tôi không kịp báo cho Trung Trung Đỉnh vì ngày mai là mùng một tết, mấy anh em tập trung vào lo. Ông nhắn tin và điện thoại vào... chửi.

Trung Trung Đỉnh hay đánh đu với cánh viết trẻ mà tài năng như Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Quang Lập, Bảo Ninh, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Việt Hà... Nói chuyện với nhau, họ hay gọi nhà văn lớn tuổi hơn này mỗi từ “Đỉnh”. Có lần Phạm Xuân Nguyên gọi tôi, thông báo: “Đỉnh” sắp vào Tây nguyên làm phim. Và chúng tôi nói chuyện với nhau qua điện thoại cứ Đỉnh thế này Đỉnh thế kia. Hồi trước ngay khi vừa có tin Lạc rừng “ăn giải”, cũng Nguyên điện vào thông báo, Đỉnh thế nọ, Đỉnh thế ấy.

Thì cũng bình thường, năm nào Đỉnh chả vào đến vài ba lần. Có hồi đạo diễn Hồng Chương muốn làm một cái phim tài liệu về nhà văn cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa. Anh Đỉnh băn khoăn: Muốn xuống An Khê, nơi ngày xưa chiến đấu tưng bừng ở đấy, nhưng chả quen ai vì đồng đội cũ tứ tán hết rồi. Mà phim thì cần cảnh quay “Đỉnh” trở lại chiến trường xưa làm người dẫn chuyện. “Đỉnh” ngày xưa nguyên là lính địa phương khu tám. Đúng ra anh là quân chủ lực, nhưng rồi vì rất nhiều lý do đến tức cười thời chiến tranh mà anh lính trẻ Phạm Trung Đỉnh, quê Hải Phòng trở thành lính địa phương Gia Lai. Từ những ngày lăn lộn để chiến đấu và cả để tồn tại ấy mà anh trở thành nhà văn Trung Trung Đỉnh của Tây nguyên, mặc dù sau đó anh về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội sau khi học Nguyễn Du khóa 1, rồi là Phó tổng biên tập Báo Văn nghệ, và giờ là Phó giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Trung Trung Đỉnh là nhà văn có công rất lớn với Tây nguyên. Từ sau năm 1975 đến nay, anh là người viết về Tây nguyên thành công nhất. Đêm nguyệt thực, Đêm trắng, Lạc rừng, Chớp trên đỉnh Kon Từng, Hơ Noanh - chị tôi... là những tác phẩm để đời của anh về Tây nguyên. Ngoài ra anh còn có công rất lớn trong việc phát hiện và thúc đẩy phong trào sáng tác ở 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

Từ những ngày đói khổ và máu lửa của chiến tranh, anh đã tiếp nhận được ở Tây nguyên một tầng văn hóa khả dĩ để hòa nhập một cách tỉnh táo khi bước vào địa hạt văn chương. Nhân vật của anh không ngô ngọng nhưng cũng không lạnh lùng cao đạo. Nó chính là cuộc đời thật đang diễn ra ở mảnh đất này, là những éo le, mà qua đó con người bộc lộ hết mình một cách nhân bản vị tha nhất. (còn tiếp)

(Trích từ sách Nhặt chuyện văn nhân, Liên Việt và NXB Văn học ấn hành)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.