Nhặt chuyện văn nhân: Rong ruổi cùng Sương Nguyệt Minh

05/03/2022 07:18 GMT+7

Cách đây 15 năm, nhà văn Sương Nguyệt Minh đã đến Gia Lai để mở một trại sáng tác.

Hồi ấy tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp Binh đoàn 15 mở trại riêng cho các cây bút khu vực miền trung Tây nguyên. Người ta lại thấy ở Sương Nguyệt Minh tố chất của một... cai ngục.

Chả biết từ thời nào người ta đặt tên những cuộc mà các nhà văn được mời về tập trung ở một nơi nào đó, cơm bưng nước rót, chỉ có mỗi việc ngồi viết, viết và viết, là các trại sáng tác. Và tất nhiên là các trưởng trại được anh em trại viên gán cho chức danh... cai ngục.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh (trái) và tác giả

TÁC GIẢ CUNG CẤP

Mô hình trại sáng tác không chỉ ở giới văn học, mà sau này tất cả các giới đều có, trại mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn hóa dân gian, âm nhạc, lý luận phê bình, sân khấu, điện ảnh... Việc “nhốt” các ông bà văn nghệ sĩ ở nhiều vùng miền vào một khu, ăn ở tập trung trong khi mỗi ông bà luôn mang trong người một tính cách sẵn sàng bùng nổ, sẵn sàng làm hỏa diệm sơn, nhất là khi đã có tí... hơi cay, lúc tranh luận về học thuật, cả tranh luận về tài năng cá nhân nữa... dễ đẩy trại trở thành “thùng thuốc súng”, đòi hỏi ông “cai ngục” phải thật giỏi, cả về tâm lý, tài năng, đức độ, trong đó tài nhẫn nhịn là yếu tố hàng đầu. Sương Nguyệt Minh làm được điều ấy dù anh cũng rất cá tính. Sau này anh nói vui, trại năm ấy thành công là nhờ 2 việc, một là ông trưởng trại Sương Nguyệt Minh không... làm gì cả, và hai là ông Văn Công Hùng không... viết gì cả.

Nhà văn phe lính

Là tác giả của 11 tập truyện ngắn và tiểu thuyết, trong đó có những tác phẩm được đọc rất nhiều như Đêm làng Trọng Nhân, Người ở bến sông Châu, Mười ba bến nước, Dị hương, Miền hoang..., nhiều giải thưởng văn học, nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài, nhiều tác phẩm được chuyển thể thành phim mà mới nhất là bộ phim truyện nhựa Người trở về được chuyển thể từ truyện Người ở bến sông Châu, Sương Nguyệt Minh hiện là đại tá, công tác tại ban sáng tác của tạp chí Văn nghệ Quân đội, một trong 2 tờ báo văn nghệ hàng đầu nước ta hiện nay. Ông còn là cây bút viết báo có hạng, được nhiều báo đặt hàng, mời giữ trang...

Khác với một số nhà văn quân đội lớp trước, là sĩ quan nhưng không qua chiến trận, Sương Nguyệt Minh tự hào mình là lính chiến thực sự. Những lúc tếu táo, nhà văn Đỗ Tiến Thụy, người từng là lính quân đoàn 3 Tây nguyên, hay đề nghị... chia phe, phe lính là lính và phe lính nhưng không phải lính nhưng lại là lính, ở tạp chí Văn nghệ Quân đội, và Sương Nguyệt Minh đều được anh em nhà văn trẻ phong là lính ở hàng... đầu bảng.

Chất lính vẫn sôi sục trong người, nên có lần Sương Nguyệt Minh vào Pleiku, ngay sau đêm giao lưu với bạn đọc Pleiku, anh đòi tôi tổ chức đưa đi biên giới, vào thăm đồn biên phòng Ia Nan, tranh thủ vượt tí tẹo sang bên kia biên giới, thăm cái casino rất hiện đại chỉ cách cửa khẩu có mấy cây số. Gặp những người lính biên phòng, nhất là thượng tá Phan Đình Thành, trưởng đồn Ia Nan, Sương Nguyệt Minh rất vui, anh luôn miệng khoe: Mình từng là lính Campuchia đấy. Của đáng tội, cái ký ức những năm tháng chiến tranh biên giới Tây Nam ấy, giờ ít lính trẻ biết, họ nhập ngũ sau đấy, thậm chí là sinh sau những năm tháng mịt mù ấy…

Hôm giao lưu với bạn đọc, có một bạn hỏi Sương Nguyệt Minh: Kỷ niệm nào làm ông xúc động nhất? Ông kể, nhiều lắm, nhưng mới nhất thì xảy ra ở ngay Pleiku này, có một cô giáo dạy văn rất trẻ, rất nhỏ bé mỏng manh... ở trường THPT A Sanh, xã Ia Krái, huyện Ia Grai, đã phóng xe máy vượt 50 km đường rừng, thăm thẳm, mịt mù... trong đêm ra Pleiku chỉ để gặp nhà văn Sương Nguyệt Minh một lát. Cô giáo đã rất xúc động ôm chầm lấy nhà văn, mà theo ông tả là, nếu người ngoài không biết lại tưởng họ là tình nhân. Cuộc này tôi chứng kiến từ đầu tới cuối nên tôi gật gù xác nhận câu chuyện lúc ngồi với ông giao lưu.

Nhớ có lần cuối năm, rét căm căm, tôi ra Hà Nội rồi sướng lên rủ anh về Ninh Bình chơi. Ninh Bình là quê anh và cũng là quê ngoại tôi. Về, ngồi nhậu với mấy người bà con của anh, tôi bảo thèm... rêu đá, cái món hồi bé mỗi lần về thăm bà ngoại tôi hay được ăn. Nó chỉ là rêu mọc trên đá vôi sau mưa, nhưng người Ninh Bình biến nó thành món ăn tuyệt vời, nhất là khi chan riêu cua nóng hổi vào. Anh bảo mấy đứa cháu, bằng mọi giá kiếm ngay một ít về đãi chú Hùng, ngay bây giờ (đâu chừng 10 giờ đêm). Mấy ông cháu, toàn loại có sừng có mỏ, có một đứa là chủ nhà hàng chúng tôi đang ngồi, sau một hồi vừa điện thoại vừa trực tiếp phóng xe đi, quay về nói, chú bảo cháu dời cái núi Cánh Diều kia có khi cháu làm được chứ kiếm rêu đá lúc này thì cháu đành chịu.

Trở về, nửa tháng sau, tôi nhận được một hũ nhựa lớn do Sương Nguyệt Minh gửi, trong ấy là... rêu đá, tất nhiên đã phơi khô. Tôi đã làm một bữa tiệc rêu đá hoành tráng tại nhà kêu rất đông bạn bè tới thưởng thức, gồm 2 món, riêu cua rêu đá và nộm rêu đá. Tất nhiên cuộc ấy bạn bè phải chịu cả tiếng đồng hồ nghe tôi thao thao về rêu đá. Trước khi về một gã bạn can đảm nói nhỏ vào tai tôi: Nghe ông kể về rêu đá ngon hơn ăn! Tôi không hợp món này, giờ đi... nhậu tiếp.

(còn tiếp)

(Trích từ sách Nhặt chuyện văn nhân do Liên Việt và NXB Văn học vừa ấn hành)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.