‘Nhật ký cô giáo - Học kỳ hè’ - cô và trò trong giáo dục thời hiện đại

18/12/2021 12:17 GMT+7

Sau Nhật ký cô giáo - Học kỳ xuân (NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM) ra mắt 1 năm trước, mới đây, Hồ Yến Thục lại tiếp tục trình làng cuốn sách mới Nhật ký cô giáo - Học kỳ hè (NXB Tổng hợp TP.HCM) với nhiều điều bổ ích, thú vị.

Với bút pháp hài hước pha triết lý, qua Nhật ký cô giáo - Học kỳ hè, cô giáo Hồ Yến Thục tiếp tục thể hiện góc nhìn đầy tinh tế, nhiều cảm xúc về học trò - những sinh viên ưu tú tích lũy kiến thức từ tri thức nhân loại không phải bằng tiếng mẹ đẻ, về các mối quan hệ giữa người dạy và người học, về những ràng buộc mang tính cộng sinh giữa cô và nhà trường.

Bìa cuốn sách Nhật ký cô giáo - Học kỳ hè của Hồ Yến Thục (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2021)

NXB

Trong nhật ký của cô giáo Hồ Yến Thục, chủ thể quan tâm đầu tiên vẫn là người học. Bằng lối viết có đôi chút trào lộng, cô giáo dắt người đọc vào thế giới học trò mà cô gọi là “đồng nghiệp” với đủ các hình dung về nhân diện cũng như tính cách, vô vàn các trạng huống dở khóc dở cười khiến cô cũng có không ít cung bậc cảm xúc. Chuyện trốn học, đi trễ, những lý do đủ loại để xin lùi thời hạn nộp bài tập, thuyết trình nhóm… của sinh viên từ năm nhất tới năm cuối. Có “những nhân vật đặc sắc” được cô đặt tên: chị Kim, anh Mộc, chị Thủy, anh Hỏa, anh Thổ. Đại diện cho ngũ hành nên những gương mặt đặc biệt quả là đầy đủ màu sắc. Cô cũng dành nguyên một chương để nói về chiêm nghiệm hay dở của dạy và học theo cách chưa từng có trong thời mà virus Corona hoành hành, cuốn cả thế giới quay cuồng trong cơn lốc xoáy.

Nếu như trong Nhật ký cô giáo - Học kỳ xuân, người học - tâm điểm của giáo dục hiện đại được tô đậm, thì ở Học kỳ hè, mặc dù người học vẫn được cô dành 2/3 dung lượng để khắc họa, nhưng chúng ta thấy người dạy - cái tâm thứ hai, hiện lên rõ ràng hơn. Cô giáo, theo tự họa một cách cường điệu là “xuân qua hè đến, cô giáo đỡ trẻ hơn, thân thể không còn nhanh nhẹn như trước”, luôn trong trạng thái “tràn mỡ” (thực tế khi được diện kiến cô, ai cũng sẽ nhận thấy sự trẻ trung, hiện đại, nhanh nhẹn và… thanh thoát), nhìn thấy mình nên đứng đâu, và đã đứng khá chính xác trong mối quan hệ với trò, với đồng nghiệp, nhà trường. Cô đầu tư công sức để trao đến học trò cái các em cần từ nội dung bài giảng, phương pháp truyền đạt, nghiêm khắc nhưng linh hoạt trước thái độ học tập của sinh viên. Đối với đồng nghiệp đi trước, cô gọi là “tiền bối thứ thiệt”, “tiền bối thiệt” đều với sự tôn kính, nể vì và biết ơn. Cô lấy đó là mẫu mực để ứng xử với đồng nghiệp gọi mình là tiền bối, cách ứng xử văn minh xứng tầm thầy cô. Trong mối quan hệ với nhà trường thông qua “sếp”, theo cách gọi của cô, là chấp hành, cân nhắc để đủ chừng mực vừa hài lòng sếp, vừa đảm bảo đám học trò khi qua môn đều thu nhận được đủ kiến thức theo mục tiêu.

Trong cuốn nhật ký của mình, Hồ Yến Thục cố vẽ cho chúng ta thấy hình ảnh một cô giáo cứng nhắc với lời chào sân “lạnh lùng” rằng: “Nếu may mắn chúng ta đồng điệu đâu đó trong 14 chương, yêu mến mà ngộ ra chân lý môn học thì quá lý tưởng, không thì chỉ cần xong việc ai về nhà nấy, đến ngày anh chị nộp bài, đến giờ tôi trả điểm”; có vẻ thích những điểm 0, điểm 1 vào các cột điểm của trò, luôn soi xét từng chân tơ kẽ tóc cả tác phong lẫn cách học của trò. Đọc nhật ký của cô, những tưởng việc dạy với cô là cực hình, bể khổ. Thật ra Hồ Yến Thục đã bộc lộ tâm can trong cao trào cảm xúc: “Có lẽ chúng trẻ và chúng dư năng lượng và chưa biết tính toán. Chúng cứ vô tư cho free những nét đáng yêu quý giá cho người dưng. Cô tin chúng không bao giờ tính toán gì đâu, hơn hai mươi tuổi thì tính cách định hình rồi mà. Do bản chất chúng tốt lành sẵn. Hôm nay chúng chọn tốt lành với cô. Không gặp mặt mà cô được yêu thương nhiều quá! Love you!”. Lớp nghiệp vụ sư phạm không nói cho cô biết là mỗi năm kết lớp cuối học kỳ 3 lần, sẽ để lại trong lòng cô ngần ấy lần trống vắng. Và ngày học trò tốt nghiệp là cô đã dạy xong, các em đã học xong, cô trò không gặp nhau nữa, “có một người mập ù ngồi đây vừa ghi nhật ký vừa khóc”, “cùng với niềm vui này là nhớ nhung không đáy”, “em tốt nghiệp rời xa cuộc sống hàng ngày của cô rồi” và “cảm ơn em đã xuất hiện nhé”.

Hồ Yến Thục đã yêu thật nhiều những lứa học trò dù không ít lần chúng khiến cô tuột cả tâm trạng lẫn cảm xúc. Với những học trò vốn đã tốt lành, có được cô giáo thiện tâm như Hồ Yến Thục - thể hiện qua cuốn sách Nhật ký cô giáo, chắc chắn các em sẽ đủ bản lĩnh để bước vào đời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.